Thái Nguyên: Hải quan thúc đẩy thu ngân sách, đồng hành cùng doanh nghiệp Thái Nguyên: Trở thành "đầu tàu" công nghiệp nhờ sáp nhập và hạ tầng |
Tỉnh Thái Nguyên đã xác định một trong những định hướng tiên phong là chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, lấy mục tiêu gia tăng giá trị làm trọng tâm thay vì chỉ chạy theo sản lượng. Chủ trương này được thể hiện rõ nét qua mô hình của Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương).
Bà Đào Thanh Hảo – Giám đốc HTX chè Hảo Đạt – cho biết: “Chúng tôi đã đổi mới cơ cấu giống, ứng dụng chuyển đổi số trong toàn bộ quá trình vận hành. Nhờ đó, vừa tăng được sản lượng, vừa tiết kiệm nhân công, tối ưu chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng chè để nâng tính cạnh tranh trên thị trường. Minh chứng rõ ràng nhất chính là quá trình canh tác hiện đại hóa mà HTX đang áp dụng, giúp cây chè được chăm sóc tốt hơn, bền vững hơn.”
Tỉnh Thái Nguyên xác định cây chè là cây trồng chủ lực, giữ vai trò then chốt trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU nhằm phát triển ngành chè theo hướng hiện đại, bền vững. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng: 70% diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ; mở rộng diện tích canh tác lên 24.500 ha, đạt sản lượng 300.000 tấn chè búp tươi mỗi năm; 100% cơ sở sản xuất, chế biến chè ứng dụng công nghệ số; đồng thời, xây dựng các sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 5 sao, gắn kết sản xuất với phát triển du lịch trải nghiệm tại các vùng chè đặc sản.
![]() |
Thái Nguyên nông nghiệp "lột xác" nhờ chuyển đổi số và hữu vơ. |
Hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên đang được triển khai đồng bộ, bài bản. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 24.000 ha chè, trong đó gần 83% diện tích đã được trồng bằng các giống mới chất lượng cao. Sản lượng chè búp tươi đạt 272.800 tấn, với tổng giá trị ngành chè ước đạt hơn 14.800 tỷ đồng. Hàng trăm sản phẩm từ chè của tỉnh đã đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu ra nhiều quốc gia, khẳng định vị thế của thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường trong và ngoài nước.
Không chỉ tập trung vào cây chè, Thái Nguyên còn đẩy mạnh phát triển các loại cây ăn quả chủ lực như na, nhãn, bưởi. Với hơn 14.000 ha cây ăn quả, tỉnh đang tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật như rải vụ, tưới nhỏ giọt, bao quả và thụ phấn bổ sung nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Riêng trong năm 2024, toàn tỉnh đã trồng mới 510 ha cây ăn quả, bao gồm 200 ha na, 150 ha bưởi và 160 ha nhãn. Đáng chú ý, vùng na Võ Nhai hiện có hơn 151 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, với sản lượng đạt khoảng 6.000 tấn/năm và doanh thu gần 80 tỷ đồng.
Các mô hình thâm canh, rải vụ kết hợp với số hóa quy trình chăm sóc đã giúp nâng giá trị quả na, với mức giá bán vượt mốc 66.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Đặc biệt, mô hình “vườn na số” tại huyện Võ Nhai đang được thí điểm theo Kế hoạch 211 của UBND tỉnh. Mô hình này nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong việc theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật và ghi chép nhật ký sản xuất. Dự kiến, vụ thu hoạch đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 8/2025, với năng suất đạt từ 14–17 kg/cây. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để mở rộng ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
Đối với cây lúa, hiện hơn 60% diện tích trên địa bàn tỉnh sử dụng giống chất lượng cao như J02, TBR225. Ngành nông nghiệp Thái Nguyên đang đẩy mạnh áp dụng canh tác xanh, hữu cơ và hướng đến việc tạo ra tín chỉ carbon trong tương lai. Mục tiêu năm 2025, toàn tỉnh đạt sản lượng lương thực hơn 625.000 tấn, trong đó sản lượng lúa đạt trên 493.000 tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, nhấn mạnh: “Việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật như chế phẩm sinh học, tưới nhỏ giọt và số hóa quy trình chăm sóc đang làm thay đổi căn bản tư duy và phương pháp làm nông. Chúng tôi tập trung nhân rộng các mô hình hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất cây ăn quả như na, bưởi, nhãn – những loại cây đang cho thấy tiềm năng kinh tế rõ rệt.”