Thái Nguyên: Vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả mạnh mẽ Thái Nguyên: Bứt phá thu hút đầu tư, đón làn sóng mới |
Bão số 3 (Wipha) hiện đang tiến sát đất liền, mang theo những dự báo về mưa lớn diện rộng, nguy cơ lũ quét, ngập úng và sạt lở đất, tỉnh Thái Nguyên đã lập tức kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống thiên tai với tinh thần "chủ động, quyết liệt, không để bị động, bất ngờ". Đây là phương châm xuyên suốt, định hướng cho mọi hoạt động chỉ đạo và triển khai của các cấp, ngành, lực lượng chức năng trong tỉnh nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào 13 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 120km, cách Hải Phòng 260km về phía Đông. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10-15km/h, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12. Từ ngày 21 đến 23/7, Thái Nguyên dự kiến có mưa vừa đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Đây là lượng mưa có thể gây ra nhiều diễn biến phức tạp.
![]() |
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên kiểm tra xả tràn tại hồ Núi Cốc trước bão số 3. |
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã khẩn cấp ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 19/7/2025 cùng nhiều văn bản chỉ đạo khẩn khác, yêu cầu toàn hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc và đồng bộ phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cũng như các xã, phường, đã kích hoạt phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai, đảm bảo sẵn sàng đối phó với mọi tình huống phát sinh.
Song song đó, các trạm y tế cấp xã và trung tâm y tế cũng được chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư sơ cứu, sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu người bị thương nếu có thiên tai xảy ra, đảm bảo công tác y tế được ứng phó kịp thời.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, ngành trong tỉnh tập trung thực hiện là bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vụ mùa. Phần lớn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã được cấy từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7, đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh – giai đoạn rất nhạy cảm với ngập úng. Tại các vùng trũng như xã Điềm Thụy, phường Vạn Xuân, nông dân đang khẩn trương tát nước, dọn mương, thông rãnh để bảo vệ lúa.
Ông Nguyễn Viết Đài, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy, cho biết: "Chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân theo dõi sát dự báo thời tiết, chuẩn bị phương tiện tiêu úng, bảo vệ sản xuất. Chính quyền địa phương cũng tổ chức trực 24/24 giờ để xử lý sự cố khi cần".
Công tác bảo vệ đê điều và hồ đập được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, đơn vị quản lý 104 hồ chứa nước, đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi sát mực nước, chủ động xả tràn và điều tiết tại các hồ có mực nước cao.
Tương tự, tại khu vực Bắc Kạn (cũ), Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn, quản lý hơn 30 hồ đập, cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, đảm bảo an toàn công trình. Các đơn vị trực thuộc được yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tổ chức trực ban 24/24 giờ, kiểm tra, gia cố công trình, khơi thông dòng chảy, chủ động phương án điều tiết nước hợp lý, tuyệt đối không xả lũ bất ngờ gây mất an toàn vùng hạ du.
Không chỉ vậy, Công ty Điện lực Thái Nguyên cũng đã họp khẩn, triển khai phương án, kích hoạt toàn bộ các tiểu ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các đội xung kích, lực lượng ứng trực đã được thành lập và phân công nhiệm vụ cụ thể.