Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo; sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 1568; cùng sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
![]() |
Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư. |
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chủ động với Ban Chỉ đạo 1568 và Bộ Tài chính để đẩy nhanh quá trình tháo gỡ vướng mắc, nhằm huy động nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cải thiện môi trường đầu tư.
Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo theo hướng tích hợp các ban có chức năng tương đồng, do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban. Thành viên gồm lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương liên quan. Ban cũng sẽ xây dựng quy chế làm việc với nguyên tắc "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian, rõ thẩm quyền".
Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc tương tự hệ thống đầu tư công. Dữ liệu này sẽ được cập nhật, chia sẻ để các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ phù hợp. Đồng thời, Bộ cần nhanh chóng tổng hợp, phân loại các dự án theo yêu cầu tại Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 31/3/2025.
Các bộ, ngành cũng cần xây dựng, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết để xử lý các nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ. Việc báo cáo, cập nhật thông tin trên Hệ thống đầu tư công quốc gia phải được thực hiện nghiêm túc, tránh chậm trễ hoặc thiếu sót.
Thủ tướng chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp lý làm căn cứ xử lý các vướng mắc. Cơ quan, cấp, ngành nào có thẩm quyền thì phải chủ động chịu trách nhiệm tháo gỡ, không né tránh.
Việc xử lý phải đảm bảo lợi ích các bên, giảm tranh chấp, khiếu kiện, ưu tiên biện pháp kinh tế, hành chính, dân sự; hình sự là biện pháp cuối cùng. Các dự án liên quan đến đất đai, có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, cần được xử lý theo chính sách đặc thù tại các Nghị quyết 170, 171/QH15 (ban hành ngày 1/4/2025).
Trường hợp dự án chưa có cơ chế pháp lý cụ thể, các cơ quan cần chủ động đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phương án xử lý phù hợp.
Với các dự án có sai phạm, khó thu hồi, Thủ tướng yêu cầu xử lý trên tinh thần minh bạch, không che giấu, không vụ lợi, đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp. Các dự án đang điều tra hoặc đã khởi tố vẫn phải nghiên cứu phương án tháo gỡ phù hợp, không cản trở quá trình tố tụng.
Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn theo Công điện 26/CĐ-TTg, phân loại nhóm vấn đề và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách theo lĩnh vực.
Báo cáo của Đảng ủy Chính phủ về kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án sẽ được hoàn thiện trước ngày 15/6/2025 để trình Bộ Chính trị.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ (nếu cần) trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.