Bài liên quan |
Thái Bình: Phát hiện, xử lý hơn 1.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại 4 tháng đầu 2025 |
Mở đợt cao điểm chống buôn lậu, hàng giả trên phạm vi toàn quốc |
Triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg và Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/5/2025, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-TTTN nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn quốc.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu rõ ràng: Triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; duy trì an ninh, an toàn sức khỏe cộng đồng; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cuộc chiến chống buôn lậu và hàng giả không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị, từ chính quyền địa phương đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cần gắn công tác này với việc tinh gọn bộ máy hành chính, xác lập rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành.
![]() |
Toàn quốc triển khai kế hoạch kiểm tra và xử lý buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả |
Trong bối cảnh hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển, Kế hoạch đặc biệt nhấn mạnh vai trò giám sát các nền tảng trực tuyến – nơi đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Các mặt hàng thiết yếu như sữa, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón… được xác định là nhóm hàng trọng tâm cần giám sát và kiểm tra chặt chẽ.
Cục yêu cầu các lực lượng bám sát diễn biến thị trường, chủ động thu thập, phân tích thông tin cung cầu, giá cả; kịp thời phát hiện biến động bất thường để có phương án xử lý kịp thời. Việc kiểm tra không chỉ dừng ở các điểm bán lẻ, đại lý mà còn mở rộng tới các kho hàng, bến bãi, trung tâm thương mại, chợ đầu mối và cảng hàng không.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong kế hoạch là việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và số hóa vào công tác quản lý thị trường. Hệ thống dữ liệu dùng chung sẽ được thiết lập, kết nối liên thông giữa các lực lượng chức năng nhằm nâng cao khả năng dự báo và phát hiện sớm các nguy cơ vi phạm.
Kèm theo đó, hoạt động tuyên truyền và truyền thông pháp luật sẽ được triển khai đa dạng, hiệu quả hơn, đặc biệt tập trung vào đối tượng kinh doanh trên nền tảng số. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được vận động ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phòng Chính sách – Pháp chế của Cục được giao nhiệm vụ rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế pháp lý, phân định rõ trách nhiệm giữa các lực lượng để tránh chồng chéo hoặc bỏ sót. Việc kiểm tra công vụ cũng sẽ được tăng cường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp bao che, tiếp tay cho vi phạm, đồng thời khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích tốt.
Kế hoạch phân công rõ ràng cho từng đơn vị: Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường chủ trì thực hiện kế hoạch, phối hợp kiểm tra đột xuất. Phòng Chính sách – Pháp chế rà soát, đề xuất chính sách và hướng dẫn pháp lý. Văn phòng Cục đảm bảo điều kiện kỹ thuật và hậu cần, duy trì vận hành hệ thống thông tin nội bộ (INS).
Các Sở Công Thương địa phương chịu trách nhiệm triển khai các đợt kiểm tra cao điểm từ 17/5 - 17/6/2025 và duy trì xuyên suốt các tháng tiếp theo. Lãnh đạo Cục cũng sẽ trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tại các địa bàn trọng điểm, thể hiện quyết tâm cao trong việc chỉ đạo điều hành và thực thi nhiệm vụ.