Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của AI trong các lĩnh vực kinh tế số. Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng sức mạnh của AI nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, thì GenAI Summit 2024, hội nghị đầu tiên về Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) tại Việt Nam sẽ giúp quốc gia tiến sâu hơn vào kỷ nguyên mới của AI.
Với chủ đề “Chân trời mới”, Hội nghị Trí tuệ nhân tạo tạo sinh 2024 diễn ra vào ngày 18/8/2024 tại TP. Hồ Chí Minh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, đồng tổ chức bởi New Turing Institute (NTI) Rethink Healthcare Foundation (RHF), phối hợp tổ chức cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Đại Học Fulbright. Hội nghị mang tới những tiến bộ mới nhất về công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI).
Khía cạnh đạo đức của phát triển AI
Đây là lần đầu tiên Việt Nam quy tụ được những nhân tài hàng đầu thế giới trong mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs). Chủ đề “Chân trời mới" của Trí tuệ nhân tạo tạo sinh được khai mở một cách sâu sắc và thực tế từ nghiên cứu với “Mô hình nền tảng của GenAI”, đến ứng dụng trong các ngành, mối quan hệ với con người ở kỷ nguyên mới trong “Ứng dụng thực tiễn của GenAI” và “Cơ hội cho Việt Nam”.
Đặc biệt, có sự tham gia trực tiếp của ông Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google, một chuyên gia hàng đầu thế giới. Ông là đồng sáng lập của Google Brain, Google Translate, Gemini và nhiều sản phẩm đã giúp Google thống trị ngành công nghệ toàn cầu.
Với “Mô hình nền tảng của GenAI”, TS. Jeff Dean - Giám đốc Khoa học của Google đã tiết lộ những đột phá trong trí tuệ nhân tạo tạo sinh thông qua các mô hình Gemini tiên tiến của Google. Ông nhấn mạnh cách mà Gemini 1.5 Pro, hạ tầng AI cách mạng của Google, xuất sắc trong việc xử lý các ngữ cảnh dữ liệu rộng lớn bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh và video. "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một mô hình tất cả trong một, giải quyết các thử thách về văn bản, hình ảnh, âm thanh và video dưới một mái nhà" - Tiến sĩ Jeff Dean chia sẻ. Khả năng đột phá này cho phép Gemini đối đầu với những tương tác phức tạp trong AI, vượt trội so với các công nghệ trước đây như GPT-4 của OpenAI.
Ngoài ra, TS. Jeff Dean cũng nhấn mạnh về các khía cạnh đạo đức của phát triển AI, ủng hộ bảy nguyên tắc hướng dẫn của Google để đảm bảo AI phục vụ lợi ích xã hội và tính bảo mật được tích hợp trong thiết kế. Đặc biệt, tập trung vào các ứng dụng thực tiễn, những tiến bộ của Gemini đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nâng cao khả năng chẩn đoán và giám sát môi trường.
Đối với TS. Jeff Dean, AI không chỉ là một công nghệ tiên tiến, thay đổi cách con người xử lý dữ liệu và ra quyết định. Đây sẽ là công cụ mang lại lợi ích to lớn, tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn khi được phát triển đúng cách, đòi hỏi những nhà phát triển phải luôn duy trì tiêu chuẩn cao về đạo đức và trách nhiệm xã hội. AI mang đến những cơ hội lớn chưa từng có cho thế giới loài người.
Đối với những người làm AI, thách thức không chỉ ở việc xây dựng công cụ mạnh mẽ đến đâu mà còn là xây dựng dựa trên đạo đức, các nguyên tắc. TS. Jeff Dean đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa AI và trí tuệ con người. “Những lợi ích rõ ràng này là lý do tại sao Google đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển AI, đồng thời làm cho công nghệ AI trở nên phổ biến rộng rãi cho những người khác thông qua các công cụ và mã nguồn mở của chúng tôi”, Dean chia sẻ.
TS. Jeff Dean nhấn mạnh: “AI có tiềm năng chuyển đổi các ngành và cải thiện cuộc sống, nhưng điều thiết yếu là chúng ta phát triển nó một cách có trách nhiệm và đạo đức. Để AI thực sự phát huy tiềm năng, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ tiếp cận với công nghệ này. Đây không chỉ là trách nhiệm của các công ty công nghệ mà còn của toàn xã hội".
AI và những thách thức trong việc thu hút nhân tài
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đồng tình rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển AI, nhờ vào thị trường, nguồn nhân lực và hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các thách thức như chi phí lao động thấp và sự cần thiết phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo AI để tăng năng lực cạnh tranh. "Việt Nam đang ở một vị trí đặc biệt để dẫn đầu sự đổi mới AI trong khu vực Đông Nam Á và hơn thế nữa" - ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Quốc gia Google Cloud nhận định về những lợi thế độc đáo của Việt Nam trên thế giới và khu vực.
Về nguồn nhân lực tài năng, theo TS. Lương Minh Thắng - Nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, đồng sáng lập NTI, Trưởng nhóm Alpha Geometry, đơn vị vừa giành Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Toán quốc tế, chuyên gia cấp cao của Google cho biết, Việt Nam có truyền thống giáo dục tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và khoa học, tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI. Sinh viên Việt Nam thường xuyên đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán học quốc tế, chứng tỏ khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề - những kỹ năng cần thiết cho việc phát triển AI. Cũng theo ông đánh giá, “sinh viên Việt Nam có niềm đam mê mạnh mẽ với toán học, điều này giúp họ có vị thế tốt để vượt trội trong kỷ nguyên mới của lý luận do AI thúc đẩy”.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong xây dựng cơ sở hạ tầng AI, thu hút nhân tài đặc biệt trong lĩnh vực toán học và khoa học. Các diễn giả cũng đã đề xuất việc hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ để xây dựng một hệ sinh thái AI mạnh mẽ. Một con số đáng chú ý là Việt Nam dự kiến sẽ cần thêm 100.000 chuyên gia AI trong vòng 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Điều mà tôi quan tâm hàng đầu đó là đào tạo các nhà khoa học trẻ Việt Nam và kết nối tri thức thế giới với Việt Nam, ở đây là sự phát triển đột phá của công nghệ AI để góp phần tạo tác động đến Việt Nam. Cách đây 20 năm, tôi là một học sinh thi toán học quốc tế, và sau hành trình ở Mỹ và làm việc ở Google tôi nhìn thấy sự liên quan mật thiết của AI và toán học. Chúng tôi hy vọng thông qua sự kiện này có thể mở ra bức tranh sâu, rộng cho hệ sinh thái công nghệ Việt Nam, từ sự xuất hiện của những nhà khoa học lớn, thần đồng toán học quốc tế, hay những lãnh đạo, nhà khởi nghiệp thành công trên thế giới. Từ cách tư duy toán học, cho đến nghiên cứu với Mô hình nền tảng của GenAI, đến ứng dụng trong các ngành ở kỷ nguyên mới và những cơ hội cho Việt Nam” - TS. Lương Minh Thắng, Nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind chia sẻ.
Việt Nam hiện là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm và được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ. Năm qua, Việt Nam tích cực hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt từ Hoa Kỳ như NVIDIA, Google, META để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong các ngành chiến lược và tiềm năng như AI, bán dẫn.
Được biết, AI Summit là sự kiện thường niên do New Turing Institute (NTI) tổ chức bắt đầu từ năm 2018 nhằm tạo nền tảng kết nối cộng đồng trí tuệ nhân tạo trong nước với các chuyên gia trên toàn thế giới. Tính cho đến nay, NTI đã xây dựng thành công một cộng đồng đam mê AI với hơn 30.000 người tham gia và đào tạo hơn 1.500 tài năng AI cho Việt Nam. Các hoạt động của NTI xoay quanh 3 trụ cột cốt lõi: Đào tạo, Nghiên cứu và Khởi nghiệp.
Rethink Healthcare Foundation (RHF) là một tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu tăng tốc đổi mới và phát minh trong y học, để nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn thế giới. Tổ chức này nhắm đến việc xây dựng một hệ sinh thái y tế - chăm sóc sức khỏe bền vững, dễ gần với công nghệ cao. Trong ngắn hạn, các trụ cột chiến lược của RHF gồm có: Giáo dục, Nghiên cứu và Xây dựng cộng đồng.
Với sứ mệnh là ươm dưỡng và truyền cảm hứng cho những thế hệ lãnh đạo mới và những nhà tư tưởng đầy tham vọng từ các xuất phát điểm đa dạng nhằm phụng sự xã hội Việt Nam và đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn. Đại học Fulbright Việt Nam là đại học khai phóng đầu tiên của Việt Nam, được thành lập trên nền tảng mối quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ, Fulbright không ngừng theo đuổi sự đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và mọi hoạt động khác nhằm tìm kiếm các giải pháp táo bạo và chuẩn mực về đạo đức trước các thách thức địa phương và thế giới.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ. NIC được xây dựng với mô hình, thông lệ tiên tiến nhất, phù hợp với bối cảnh Việt Nam, có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế.
“Theo nghiên cứu của Thundermark Capital, Việt Nam và Singapore là 2 đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 thế giới về nghiên cứu AI. Chính vì vậy, Hội nghị GenAI Summit 2024 là một sự kiện lớn, rất có ý nghĩa để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các bên liên quan cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và tìm kiếm cơ hội hợp tác để tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ AI thế giới” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại sự kiện.
Uyển Nhi - Phước Lập