Tại sao các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn kêu đói vốn khi ngân hàng có nhiều gói ưu đãi, giảm lãi suất?

14:43 09/03/2023

Tại hội nghị đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp của TP.HCM diễn ra mới đây, nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải vay vốn với lãi suất hơn 10%. Lãi suất trung hạn trên 10% gây khó khăn, áp lực lớn lên các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Lãi suất quá cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp gặp khó trong triển khai mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh khiến nhu cầu vay vốn thấp.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều chính sách, gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất, nhất là với các DNNVV.

Một thống kê được nêu lên, nếu như 76% số DN lớn vay được vốn từ ngân hàng thì tỷ lệ này dành cho DN vừa là 72%, DN nhỏ là 60% và DN siêu nhỏ chỉ là 38%. Nguyên nhân chủ yếu là bên vay bắt buộc phải có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn phiền hà…

Các DNNVV không thể có tài sản đảm bảo cho khoản vay như doanh nghiệp lớn; hệ số giao dịch với ngân hàng còn thấp và những năm dịch Covid-19 vừa qua không đạt doanh thu ổn định. Chưa kể, thủ tục tiếp cận dòng vốn vay cũng rườm rà.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cũng yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các ngân hàng thương mại phải có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vay vốn cho người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt từ 14-15% trong năm nay. Với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế vào cuối năm 2022 ước đạt hơn 11,9 triệu tỷ đồng, dự báo tín dụng các ngân hàng có thể cho vay thêm trong năm 2023 vào khoảng 1,67-1,79 triệu tỷ đồng.

NHNN vừa cấp room tín dụng đợt 1 năm 2023 cho một loạt ngân hàng. Room tín dụng cho năm nay đã mở nhưng việc vay vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn khó khăn. Trong đó, vấn đề đang cản trở nhất là lãi suất cho vay vẫn cao. Lãi suất hiện tại cao so với biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng NHNN cần cân nhắc hạ thêm lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Khi hạ được lãi suất, tín dụng được kích cầu thì triển vọng nền kinh tế sẽ tích cực hơn.

Với các DNNVV, theo nhiều chuyên gia, đây là thành phần quan trọng trong nền kinh tế và cũng là đối tượng khách hàng chiến lược của ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cần dành nguồn lực lớn để xây dựng các giải pháp tài chính, chính sách, sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách hàng này. Ngược lại, để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất “giảm nhiệt” từ ngân hàng, các doanh nghiệp cũng cần kế hoạch kinh doanh khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho hay để khơi thông nguồn vốn, các cơ quan có thẩm quyền trong đó có Ngân hàng Nhà nước cần phải có giải pháp cụ thể để kéo giảm lãi suất cho vay và phải đặt mục tiêu cụ thể.

"Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nói thật là nếu lãi suất cho dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích hoạt đầu tư", ông Hòa nói.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Hòa đề nghị rằng ngân hàng nên có sự đồng cảm và chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp rất hiểu ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, có mục tiêu lợi nhuận cũng như cổ tức cho cổ đông nhưng cũng nên có sự đồng hành và chia sẻ vì vừa qua khó khăn mà nhiều ngân hàng lãi lớn.

"Vậy ngân hàng có thể chia sẻ với người dân và cộng đồng doanh nghiệp được hay không? Hiện nay giá bất động sản đi xuống nên tài sản thế chấp cũng bị định giá thấp xuống dẫn đến lượng vốn mà ngân hàng cho vay doanh nghiệp giảm theo. 

Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay rồi ngân hàng yêu cầu muốn vay với mức như cũ thì phải bổ sung tài sản thế chấp. Như vậy là quá khó khăn cho doanh nghiệp", ông Hòa than.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho rằng “Với lãi suất cho vay trên 10% như hiện nay thì để tồn tại và duy trì hoạt động doanh nghiệp cũng đã rất áp lực, cố gắng cân đối để đảm bảo tốt công ăn việc làm cho người lao động chứ chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi. Hàng loạt các chi phí đầu vào khác đang tăng đáng kể như điện, nước, nguyên nhiên liệu… càng gây áp lực cho chúng tôi”, bà Chi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết trước và sau Tết, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp xúc với ông đề kêu 2 vấn đề khó khăn nhất hiện nay là tiếp cận vốn và nếu có vốn thì lãi suất rất cao. "Nếu cứ đến hẹn lại lên, hai bên gặp nhau, mỗi người nói một ít rồi về thì chưa hiệu quả. Chúng ta phải tính toán có một kênh kết nối nào đó để doanh nghiệp khi có vấn đề có thể phản ánh ngay, vừa gửi đến ngân hàng họ giao dịch, vừa phản ánh đến Ngân hàng Nhà nước, vừa phản ánh đến TPHCM", ông Mãi nêu ý kiến. 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, bản thân các ngân hàng cũng muốn giảm lãi suất cho vay để tránh nợ xấu từ khách hàng, tác động đến lợi nhuận công bố. Thế nhưng có "mạnh tay" giảm được lãi vay hay không còn phụ thuộc vào lãi suất huy động.

Thực tế, lãi suất huy động dù đang ở mức 9,5%/năm nhưng các ngân hàng cũng khó khăn trong việc thu hút vốn. Vì vậy, nếu đưa lãi suất huy động thấp thì việc này còn khó khăn hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh các nước trên thế giới tăng lãi suất, chẳng hạn mới đây Mỹ mới tăng lãi suất thêm 0,25%/năm mà Việt Nam đi ngược lại, giảm lãi suất là bài toán khó cho hệ thống ngân hàng.

"Việc kêu gọi giảm lãi suất, cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí cho vay hiện vẫn đang được chỉ đạo triển khai trong hệ thống ngân hàng. Dù mức giảm không nhiều, chưa đủ để kéo lãi vay nhưng NHNN sẽ có thêm các giải pháp quyết liệt thì chắc chắn vấn đề lãi vay quá cao hiện nay sẽ được giải quyết... Khi thanh khoản thị trường tốt lên, lãi suất huy động vốn giảm sẽ kéo lãi suất vay đi xuống trong thời gian tới", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Đồng thời cho biết trong năm 2023, sẽ tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, sẽ tập trung 3 nhóm giải pháp chính. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) với mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa (bằng tiền đồng) không quá 5,5%/năm.

Thứ hai, sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tổ chức triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN. Trong đó, tập trung mạnh hỗ trợ tối đa cho các nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh những năm vừa qua để tạo cơ hội phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với từng nhóm doanh nghiệp, nhóm ngành nghề để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương theo đặc thù từng ngành nghề, từng thời điểm và nhu cầu vốn.

"Một giải pháp có thể thực thi nhanh hiện nay đó là ngân hàng giảm tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Tỷ lệ NIM của các ngân hàng hiện nay đang ở mức cao trong khi nền kinh tế gặp nhiều thách thức, NIM của các NH vẫn đang phổ biến từ 3 - 7% là quá cao. Do đó, cần phải kéo giảm NIM xuống thấp, đặc biệt các ngân hàng lớn để hỗ trợ cho nền kinh tế", TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Đại học Kinh tế TP. HCM), cho hay.

Bình Phương t/h