Tại cuộc họp báo Kinh tế xã hội thường kỳ tại TP Hồ Chí Minh chiều 9/11, ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam – cho biết, từ tháng 7.2023, tiêu dùng nội địa đã trở về mức bằng giai đoạn trước dịch COVID-19.
Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã có sự vực dậy nhất định. Giai đoạn 2019-2020, bán lẻ hiện đại đóng góp 24% thị phần bán lẻ, trong dịch còn 16 – 18% và đến nay đã quay lại 24%.
Theo Sở Công Thương TPHCM, doanh thu 10 tháng đầu năm 2023 ngành bán lẻ thành phố đạt 577.764 tỉ đồng, tăng 11,6%. Từ nay tới cuối năm 2023 và năm 2024, ngành Công Thương TPHCM đã tham mưu UBND thành phố một số giải pháp. Cụ thể, thành phố sẽ chú trọng các nội dung về giá cả hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, tăng lượng hàng bình ổn thị trường, nhất là phục vụ Tết 2024.
Bước sang tháng 11/2023, để tiếp tục duy trì đa dạng hoạt động kích cầu trên thị trường, nhiều nhà bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá cho đa dạng hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước đến TP Hồ Chí Minh tiếp tục được thụ hưởng các ưu đãi kéo dài từ nay đến cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM – cho biết: “Từ đây đến cuối năm cũng là cao điểm người tiêu dùng mua sắm. Chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình kết nối cung – cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh, thành để có nguồn hàng hóa dịp cuối năm bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá bình ổn nhất cho người tiêu dùng”.
Theo ông Nguyễn Phương Duy, để chuẩn bị hàng hóa Tết, ngay từ đầu năm, TP đã xây dựng kế hoạch và giao Sở Công thương chủ trì tích cực triển khai thực hiện.
Theo đó, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản,…
Các doanh nghiệp sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, mất cân đối nhu cầu trong mọi tình huống.
Riêng mặt hàng gạo, vừa qua Sở Công thương đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu cho thấy, giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn và tính toán chiến lược của các nước xuất khẩu. Sở Công thương đang theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.
Về sức mua, Sở Công Thương dự báo sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11-13% so với Tết Quý Mão 2023. Bên cạnh lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, hoa, quần áo, giày dép,… sẽ tăng mạnh vào giáp Tết.
Phương Anh (T/h)