BYD, công ty xe điện Trung Quốc được tỷ phú Warren Buffett "đỡ đầu", đã báo cáo một quý thu nhập vượt mong đợi nữa nhờ doanh số bán xe điện bùng nổ.
Theo báo cáo thu nhập quý I được công bố ngày 28/4, doanh thu của BYD đạt 120,2 tỷ NDT, tăng 79,83% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp là 17,9%, tăng khoảng 5,5%.
Thu nhập ròng của công ty là 4,13 tỷ NDT (597 triệu USD), tăng 411% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thậm chí còn lớn hơn tổng lợi nhuận 3 tỷ NDT của BYD trong cả năm 2021.
Cổ phiếu của BYD đã tăng 1,1% tại Hồng Kông vào sáng thứ Sáu (28/4), nâng mức tăng trong năm nay lên 24%.
Các nhà phân tích Jeff Chung và Beatrice Lam của Citigroup cho biết, tỷ suất lợi nhuận của BYD sẽ tiếp tục tăng trong năm nay nhờ các mẫu Denza và U8, trong khi Tim Hsiao và Cindy Huang của công ty chứng khoán Morgan Stanley cho biết, kết quả cho thấy khả năng phục hồi trước những khó khăn của ngành.
Nhờ trào lưu ô tô điện bùng nổ, hãng ô tô Trung Quốc BYD trong quý đầu năm 2023 đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mặt Volkswagen để trở thành hãng ô tô bán chạy nhất tại nước này.
Tới nay, số liệu quý I-2023 của thị trường Trung Quốc ghi nhận, BYD đã bán được 440.000 xe, trong khi tổng doanh số của Volkswagen là 427.247 chiếc. Ngoài ra, hãng đã xuất khẩu hơn 110.000 xe tới châu Âu, Mỹ Latinh, Đông Nam Á trong cùng kỳ. Doanh số bán hàng cộng dồn của BYD là 552.100 xe, tăng 92,81% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh số bán hàng trong tháng 3 một lần nữa vượt mốc 200.000 xe.
Thực tế này khiến Giám đốc điều hành Volkswagen Oliver Blume phải thẳng thắn thừa nhận rằng đối thủ BYD “rất, rất mạnh” khi phát biểu trong khuôn khổ Triển lãm ô tô Thượng Hải năm 2023. Về phần mình, Chủ tịch BYD Wang Chuanfu kỳ vọng có thể vượt qua Volkswagen vào cuối năm 2023.
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân chính giúp BYD vượt mặt Volkswagen để trở thành "thế lực" hàng đầu tại nền kinh tế số 1 châu Á chính là trào lưu xe điện. Trong 3 tháng đầu năm, doanh số của Volkswagen tại Trung Quốc chỉ có khoảng 6% là xe điện. Trong khi đó, gần như toàn bộ xe của BYD tới tay khách hàng đều là xe điện (bao gồm cả xe điện chạy pin và xe hybrid sạc ngoài).
Thực tế, cứ 5 xe điện bán ra tại Trung Quốc lúc này, có 2 chiếc do BYD sản xuất, tương đương thị phần 38,8%. Trong khi đó, Tesla dù gây nhiều chú ý, chỉ mới chạm mốc 10,5% thị phần. Trên toàn cầu, BYD đã bán được 1,86 triệu xe ra thị trường trong năm 2022, nhiều hơn tổng doanh số bán hàng của hãng 4 năm trước đó cộng lại và đưa nhà sản xuất này trở thành hãng xe điện lớn mạnh thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Tesla của Mỹ.
Sự bùng nổ xe điện trong vài năm trở lại đây chủ yếu do chương trình trợ giá của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 hoành hành. Ở Thượng Hải hiện nay, người dân có thể nhận ngay 10.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 30 triệu đồng) khi mua ô tô điện thay thế cho ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Tại một số địa phương, mức hỗ trợ có thể lên tới 60.000 tệ (tương đương hơn 200 triệu đồng).
Cùng với đó, Bắc Kinh cũng tạo nhiều thuận lợi về mặt chính sách cho các doanh nghiệp trong nước - trong đó có BYD - trong tiến trình phát triển hạ tầng và chuỗi cung ứng sản xuất xe điện, cũng như mở rộng mạng lưới dịch vụ, trạm sạc phục vụ người dân trong việc sở hữu ô tô chạy điện.
BYD, có nhà đầu tư lớn nhất là Berkshire Hathaway Inc. của Warren Buffett tự tin cho rằng, họ có thể cung cấp tới 3 triệu xe ô tô trong năm nay trên toàn thế giới. Còn nhà phân tích Joanna Chen của Bloomberg thì lạc quan hơn khi cho cho rằng BYD có thể đạt 3,7 triệu xe trong năm 2023.
Sự phát triển nhanh chóng của một hãng xe điện nội địa tại Trung Quốc đang thể hiện cực kỳ rõ ràng hình thái thị trường, đó chính là người dân dần tin tưởng và ưu chuộng xe điện, cũng như hãng xe trong nước thay vì những hãng xe nhập khẩu nước ngoài nhiều như trước.
Minh Phương (t/h)