Startup công nghệ Việt duy nhất góp mặt top 100 công ty tiềm năng châu Á

17:15 31/08/2023

Bên cạnh KiotViet xuất hiện tại hạng mục công nghệ tiêu dùng, Việt Nam còn có hai đại diện khác là Dat Bike ở mảng logistics và Coolmate ở mảng thương mại điện tử và bán lẻ.

KiotViet là startup công nghệ Việt duy nhất góp mặt trong danh sách Forbes Asia 100 To Watch 2023.
KiotViet là startup công nghệ Việt duy nhất góp mặt trong danh sách Forbes Asia 100 To Watch 2023.

Forbes vừa công bố danh sách 100 công ty nhỏ và dự án khởi nghiệp tiềm năng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương (100 to Watch 2023). Đây là các đơn vị được kỳ vọng có nhiều sáng tạo giúp giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Trong danh sách năm nay, KiotViet là startup công nghệ Việt duy nhất góp mặt trong danh sách Forbes Asia 100 To Watch 2023.

KiotViet.vn được thành lập vào năm 2014, tập trung vào lĩnh vực phần mềm quản lý bán hàng. Đến cuối 2022, công ty cho biết, đã thu hút được 200.000 hộ kinh doanh từ 20 ngành nghề sử dụng dịch vụ. Hiện công ty đặt mục tiêu hỗ trợ đa nhiệm vụ gồm quản lý hàng tồn kho, quản lý quan hệ khách hàng (CRM) và quản trị nhân viên.

Theo Forbes, KiotViet đã nhận 45 triệu USD đầu tư vòng Serie B từ Jungle Ventures và KKR năm 2021. Startup này là thương vụ thứ sáu của KKR tại Việt Nam.

Đại diện KiotViet cho biết, sau nhiều năm gia công cho thị trường Mỹ, Australia và Singapore, đội ngũ phát triển phần mềm của công ty chuyển hướng xây dựng giải pháp để phục vụ người Việt, hỗ trợ những chủ cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, không có nhiều tiềm lực kinh tế và khả năng hiểu biết công nghệ còn hạn chế. "Là startup Việt vào top 100 công ty tiềm năng nhất châu Á chứng minh tầm nhìn phổ cập công nghệ đến doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ tại Việt Nam của chúng tôi là đúng đắn", đại diện công ty cho hay.

Bên cạnh KiotViet xuất hiện tại hạng mục công nghệ tiêu dùng, Việt Nam còn có hai đại diện khác là Dat Bike ở mảng logistics và Coolmate ở mảng thương mại điện tử và bán lẻ.

Coolmate là doanh nghiệp được thành lập vào năm 2019 bởi CEO Phạm Chí Nhu, hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ. Startup vận hành theo mô hình D2C (Direct to Customers-bán trực tiếp sản phẩm tới khách hàng, không qua trung gian), hướng tới khách hàng nam giới với đa dạng các dòng sản phẩm từ áo phông, quần đùi, quần dài cho đến kem cạo râu. Coolmate có kế hoạch mở rộng danh mục lên tới hơn 180 sản phẩm, với kênh bán hàng chủ đạo là website của công ty và các nền tảng thương mại điện tử. Theo dữ liệu từ Forbes, nhà đầu tư chính vào Coolmate gồm những cái tên như 500 Global, Access Ventures, Cyberagent Capital, Do Ventures, DSG Consumer Partners, GSR Ventures và Nexttech.

Trong khi đó, Dat Bike là startup được thành lập vào năm 2019 bởi CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn và đang hoạt động trong lĩnh vực xe điện. Công ty có trụ sở tại Đà Nẵng, chuyên sản xuất các dòng xe máy điện với linh kiện sản xuất từ Việt Nam. Theo Dat Bike tuyên bố, mẫu xe mới nhất của họ, Weaver++, có thể di chuyển tới 200 km sau khi sạc đầy trong 3 giờ. Startup đang hợp tác với gã khổng lồ công nghệ GoTo (công ty mẹ của GoJek) để sử dụng xe máy điện Dat Bike trong các mảng dịch vụ như giao đồ ăn, hậu cần và vận tải. Tính đến nay, Dat Bike đã gọi tổng cộng 16,5 triệu USD vốn đầu tư, từ những tên tuổi như Delivery Hero Ventures, GSR Ventures, Hustle Fund, ISeed Ventures, Jungle Ventures, TVS Motor và Wavemaker Partners.

Năm nay, danh sách Forbes Asia 100 to Watch 2023 tôn vinh các công ty quy mô nhỏ cũng như công ty khởi nghiệp nhắm tới những vẫn đề chưa được quan tâm rộng rãi, hoặc đã áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ sinh học cho đến chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, bán lẻ, tài chính,…

Để chọn ra 100 công ty tiềm năng nhất, Forbes Asia đã gửi danh sách đến các mô hình tăng tốc, ươm tạo startup, các quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học cũng như nhiều tổ chức có liên quan khác để xây dựng danh sách đề cử. Cuối cùng, Forbes Asia chọn ra 100 cái tên ưu tú nhất từ danh sách 550 ứng viên ban đầu.

Để đủ điều kiện góp mặt trong bảng xếp hạng, các công ty phải có trụ sở chính tại châu Á – Thái Bình Dương, thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động vì lợi nhuận, có doanh thu trong năm tài chính gần nhất không vượt quá 50 triệu USD và nhận được tổng nguồn vốn đầu tư không quá 100 triệu USD tính đến ngày 7/8/2023. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng được tính đến như sức ảnh hưởng của doanh nghiệp tới ngành kinh doanh hoặc tới địa phương, khả năng tăng trưởng doanh thu và gọi vốn đầu tư, câu chuyện khởi nghiệp thuyết phục,…

Danh sách 100 doanh nghiệp tiềm năng trong Bảng xếp hạng Forbes Asia 100 to Watch 2023 thuộc 13 quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực. Trong đó, Singapore tiếp tục là quốc gia đóng góp số lượng lớn nhất với 20 doanh nghiệp, theo sau là Hong Kong (15 doanh nghiệp) và Trung Quốc (11 doanh nghiệp).

Các trung tâm khởi nghiệp mới nổi trong khu vực là Indonesia và Philippines cũng đóng góp lần lượt 11 công ty và 9 công ty trong danh sách này.

Minh Anh (T/h)