Start-up an ninh mạng Việt Nam VinCSS mới đây đã được công ty hàng đầu thế giới về thiết bị IoT và máy tính phục vụ công nghiệp ASRock (Đài Loan) chọn làm đối tác phát triển các giải pháp bảo mật cho thiết bị IoT.
Theo thỏa thuận, ASRock và VinCSS sẽ cùng nhau nghiên cứu và phân tích tình hình thị trường, nhằm phát triển các giải pháp bảo mật tiên tiến, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo sự an toàn trong việc triển khai thiết bị IoT. Các giải pháp mới sẽ tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế FIDO Device Onboard (FDO), giúp thiết bị IoT dễ dàng triển khai một cách an toàn và hiệu quả.
Ông James Lee, Chủ tịch ASRock Industrial, cho biết: "Bằng cách tích hợp công nghệ FDO tiên tiến của VinCSS với chuyên môn về điện toán biên của ASRock, chúng tôi kỳ vọng mang đến những giải pháp bảo mật toàn diện và mạnh mẽ, giúp việc triển khai các thiết bị IoT trở nên tự động và an toàn hơn".
Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, CEO của VinCSS cũng khẳng định: “Khi kết hợp kinh nghiệm sâu rộng về FDO của VinCSS với chuyên môn của ASRock Industrial, chúng tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ mang đến các giải pháp bảo mật sáng tạo, thiết thực, giải quyết các thách thức cấp bách của hệ sinh thái IoT đang bùng nổ và nâng cao chất lượng cuộc sống con người”.
ASRock Industrial, nổi tiếng với kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm công nghiệp như bo mạch chủ PC công nghiệp, edge computers,... được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Trong khi đó, VinCSS được biết đến là đơn vị tiên phong trong an ninh bảo mật cho thiết bị IoT với một số giải pháp FDO đầu tiên trên thế giới, bao gồm camera FDO, hệ thống bãi đỗ xe FDO và giải pháp triển khai thiết bị mạng FDO. Nhiều giải pháp trong số đó đã được thương mại hóa thành công, giúp việc triển khai các thiết bị IoT trở nên an toàn, nhanh chóng và rất tiết kiệm.
Sự phát triển ồ ạt của các thiết bị IoT kéo theo hàng loạt rủi ro về an ninh bảo mật. Chỉ tính từ năm 2016 đến năm 2017, các cuộc tấn công nhắm vào IoT đã tăng đến 600%. Thế giới dự kiến sẽ có 29,42 tỉ thiết bị IoT vào năm 2030, đưa thị trường bảo mật IoT toàn cầu đạt 20,98 tỉ USD vào năm 2028, dẫn đầu là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thiết bị IoT (Internet of Things) là các thiết bị có khả năng kết nối với internet và giao tiếp với nhau hoặc với con người qua mạng internet. Những thiết bị này thu thập, gửi và nhận dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người.
Trang Anh (T/h)