Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam đã có hơn 3,9 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money, tăng 6,3% so với tháng 3/2023 và gấp 3 lần so với cùng kỳ tháng 4/2022. Đặc biệt, số lượng người dùng Mobile Money tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,7 triệu khách hàng, chiếm 69% số người sử dụng dịch vụ.
Hiện cả nước có 9.953 điểm kinh doanh dịch vụ Mobile Money, tăng 12% so với tháng 3/2023. Số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán qua hình thức Mobile Money đạt 15.326 điểm, tăng 0,2%. Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 26,1 triệu giao dịch, với tổng giá trị giao dịch hơn 1.683 tỷ đồng.
Mobile Money là dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Dịch vụ Mobile Money được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 2 năm, từ 18/11/2021 đến 18/11/2023.
Khác với các ví điện tử thông thường, Mobile Money cung cấp cho người dùng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động mà không cần đến tài khoản ngân hàng. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông, nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa hợp pháp tại Việt Nam.
Việc triển khai thí điểm Mobile Money là một chủ trương lớn của ngành TT&TT nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, những nơi người dân không tiếp cận được với các điểm giao dịch ngân hàng.
Một điểm đáng chú ý là những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)... đã được các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật. Qua đó góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt đến với người dân và doanh nghiệp.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, thời gian tới khi khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện, mạng lưới đại lý chấp nhận thanh toán không tiền mặt sẽ vươn tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có các chính sách ưu đãi về phí dịch vụ để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt.
Theo đó, NHNN đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện một số nội dung nhằm tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.
Thu Phương (t/h)