Bài liên quan |
Đẩy nhanh Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân: Mở khóa nguồn lực, định hình động lực tăng trưởng mới |
Hoàn thiện pháp chế để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ |
Tại phiên họp này, Quốc hội cũng đã nghe trình bày và thảo luận nhiều nội dung pháp lý trọng tâm. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Cùng lúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giới thiệu tờ trình sửa đổi, bổ sung hàng loạt luật kinh tế như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất nhập khẩu, và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... Báo cáo thẩm tra được trình bày bởi các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết hoàn thiện hành lang pháp lý để tăng cường hiệu lực thi hành.
Đặc biệt, Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân – tâm điểm của phiên họp – đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai vào chiều tối 16/5. Nội dung quan trọng nhất gây nhiều tranh luận là chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự thảo đề xuất miễn thuế trong ba năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nên tính thời gian miễn thuế kể từ khi doanh nghiệp có lãi để đảm bảo chính sách đi vào thực chất.
![]() |
Sáng nay 17/5, Quốc hội biểu quyết chính sách phát triển kinh tế tư nhân |
Trước sự khác biệt trong quan điểm, cơ quan soạn thảo đã trình cả hai phương án. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất lựa chọn phương án 1 – miễn thuế từ khi doanh nghiệp thành lập – để phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68 và tạo động lực mạnh mẽ từ giai đoạn khởi nghiệp.
Một điểm mới nữa trong nghị quyết là việc xóa bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh, nhằm thúc đẩy tính minh bạch và công bằng trong môi trường kinh doanh, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Thời điểm áp dụng được điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1/1/2026 thay vì 1/7/2026 như dự thảo trước đây.
Nghị quyết cũng đề xuất giới hạn số lần thanh tra, kiểm tra trực tiếp đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh không quá một lần mỗi năm, trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Quy định này hướng đến việc giảm phiền hà, khuyến khích môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời tăng cường hậu kiểm thông qua chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Một nội dung khác cũng được chú trọng là trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong việc phân bổ các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm đầu tư hạ tầng, hỗ trợ chi phí thuê đất, thuê nhà xưởng... Theo đó, các địa phương sẽ được phép tự quyết định định mức, tiêu chí hỗ trợ tùy theo thực tế và khả năng cân đối ngân sách, với nguyên tắc minh bạch, khả thi và hiệu quả.
Cơ quan soạn thảo cũng làm rõ rằng các chính sách ưu đãi thuế, phí trong dự thảo được xây dựng trên nguyên tắc "nuôi dưỡng nguồn thu". Dù có thể làm giảm thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ tạo nền tảng để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó tăng đóng góp vào ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề nghị bổ sung làm rõ lý do chưa tiếp thu một số ý kiến đáng chú ý như đề xuất "không áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng tạm giam nếu chưa thật sự cần thiết" hoặc "không cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh trong trường hợp nợ thuế do lý do chính đáng và có tài sản đảm bảo".