Sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 10 tỷ USD vải

22:00 07/09/2022

Vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu trong khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối thương mại tự do FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi.

Năm nay là thời điểm mà các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 13,4 tỷ USD tăng 9,8% so cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng 2021. Kết quả này là nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

Sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 10 tỷ USD vải
Sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 10 tỷ USD vải.

Tuy nhiên, hiện sợi sản xuất ra không được sử dụng trong nước để dệt vải mà chủ yếu xuất khẩu. Vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu, khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 10 tỷ USD vải các loại.

Trong khi đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối thương mại tự do FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi.

Để ngành dệt may có thể vượt qua thách thức, tận dụng tốt các cơ hội “vàng” trong phát triển, các chuyên gia cho rằng, cần có các giải pháp thu hút đầu tư vào ngành dệt may, nhất là các dự án dệt - nhuộm, sản xuất nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường… Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp dệt may.

Song song đó, cần xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dệt may, chú trọng các kỹ năng mới, cần thiết trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, câu chuyện về tự chủ nguồn nguyên liệu sẽ là hướng đi rất quan trọng giúp cho doanh nghiệp nói riêng và ngành dệt may nói chung có hướng phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới. Cùng với đó, các doanh nghiệp dệt may phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi, hình thành nên chuỗi giá trị trong nước.

P.V