Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có trên 3.500 héc ta trúc sào, mỗi năm khai thác trên 150 héc ta. Cây trúc sào được trồng tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông, Hào An. Đặc điểm của cây trúc sào là thân thẳng, to, tròn đều, mắt ít nối; vỏ thân có màu từ vàng tranh đến xanh thẫm…
Có nhiều sản phẩm được chế biến từ cây trúc sào, trong đó có chiếu trúc sào. Chiếu trúc sào có đặc điểm nan chiếu đều, mảnh, dài và còn nguyên chất, không bị mối mọt, tỉ lệ nan chiếu bị khuyết tật nhỏ hơn 0,5%. Mặt trên của chiếu có màu vàng nhạt, bóng; không có mùi mốc, mùi lạ…
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lưu Đức Thanh - Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chỉ dẫn địa lý cây trúc sào và sản phẩm chiếu trúc sào Cao Bằng được bảo hộ sẽ khẳng định vị thế và giá trị của trúc sào, chiếu trúc sào trên thị trường Việt Nam và thế giới; là bước khởi đầu cho sự phát triển sản xuất, thương mại sản phẩm gắn với lợi thế vùng miền, địa phương.
Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng cần quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trúc sào, chiếu trúc sào trên cơ sở định hướng tổng thể phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, tỉnh cần có những hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để doanh nghiệp, người dân đầu tư, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất; các giải pháp giới thiệu, quảng bá sản phẩm…
Cây trúc sào và chiếu trúc sào là sản phẩm thứ hai của tỉnh Cao Bằng sau hạt dẻ (Trùng Khánh) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý./.
Chu Hiệu