Quyết không để cư dân biên giới tiếp tay cho buôn lậu trong dịp cuối năm

11:18 01/12/2021

Cảnh sát Kinh tế chủ động phối hợp với các lực lượng liên ngành rà soát, thống kê lại các đối tượng đầu nậu, các đối tượng đai vác cho các đối tượng buôn lậu... để giáo dục, răn đe, phòng chống buôn lậu dịp cuối năm.

Kiểm soát chặt những tháng cuối năm

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đang đến gần, nhu cầu mua sắm hàng hóa sẽ tăng cao... sẽ kéo theo tình hình buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ tiềm ẩn phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Cùng với đó, do giá cả hàng hóa giữa biên giới Campuchia và phía Việt Nam còn chênh lệch khá cao, nhất là mặt hàng thuốc lá ngoại, nên các đối tượng buôn lậu luôn tìm đủ mọi cách để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa để tiêu thụ.

Tại Hội nghị tổng kết Kế hoạch liên ngành trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn An Giang giữa các lực lượng Công an - Bộ đội Biên phòng - Quân sự - Hải quan - Quản lý thị trường - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ tổ chức vào cuối tháng 11/2021, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an An Giang đề nghị các đơn vị có liên quan cần tiếp tục chú trọng tăng cường, nâng cao chất lượng trao đổi, phối hợp kiểm tra thông tin, từ đó, thống nhất trong đánh giá, dự báo tình hình và đề xuất biện pháp đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm liên quan đến kế hoạch phối hợp.

Yêu cầu lực lượng Cảnh sát Kinh tế chủ động phối hợp với các lực lượng liên ngành rà soát, thống kê lại các đối tượng đầu nậu, các đối tượng thường xuyên làm thuê, đai vác cho các đối tượng buôn lậu, các loại phương tiện đường thủy, đường bộ… cả nội địa và khu vực biên giới để răn đe, giáo dục, tạo công ăn việc làm cho các đối tượng này, tránh tình trạng thực hiện các hoạt động phi pháp.

Đặc biệt, thống kê, lên danh sách cửa hàng, kho bãi của các doanh nghiệp khu vực nội địa, các nhà xe, phương tiện thường xuyên chở hàng hóa lậu để chủ động kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, kinh doanh có hóa đơn chứng từ rõ ràng…

Chủ động nắm chắc tình hình có liên quan trên tuyến biên giới và nội địa, nhất là mọi biến động về giá cả hàng hóa phía Campuchia và trên địa bàn nội địa mà các đối tượng sẽ lợi dụng để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại để đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp đấu tranh phù hợp.

Trong thời gian qua, lực lượng chống buôn lậu phát hiện nhiều trường hợp người dân tham gia vận chuyển hàng lậu thuê cho các đối tượng đầu nậu; chứa trữ hàng lậu trong nhà gần khu vực biên giới... tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân hiểu về trách nhiệm của công dân trong đấu tranh chống buôn lậu cần được tuyên truyền giáo dục thường xuyên; vận động người dân không bao che, tiếp tay cho các đối tượng để người dân tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng phát hiện và đấu tranh triệt xóa các tụ điểm tập kết, trung chuyển, chứa chấp, tiêu thụ hàng cấm, hàng lậu. 

Khởi tố hình sự 16 vụ

Trong năm 2021, các lực lượng chức năng đã tập trung lực lượng tuyến đầu vừa tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch chuyên đề, trọng điểm, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, phát huy được sức mạnh tổng hợp của Tổ liên ngành chống buôn lậu.

Sau 7 tháng ra quân triển khai kế hoạch liên ngành, gồm: Công an - Bộ đội Biên phòng - Quân sự - Hải quan - Quản lý thị trường - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ (từ ngày 22/4/2021 đến 25/11/2021) đã đạt được những thành tích nổi bật.

Lực lượng chống buôn lậu đã kiểm tra, bắt giữ gần 1.000 vụ vi phạm, liên quan 366 đối tượng, hàng hóa vi phạm, gồm: gần 190.000 bao thuốc lá ngoại các loại, trên 24 tấn đường cát, 62 tấn kg hóa chất dạng bột đá, trên 150.000 đồ gia dụng các loại, trên 93.000 can, chai thuốc bảo vệ thực vật, trên 1.600 lít cồn y tế… và nhiều hàng hóa khác với tổng trị giá khoảng 92 tỷ đồng. Tạm giữ phương tiện vận chuyển hàng vi phạm, gồm: 21 xe ô tô, 181 xe mô tô, 11 xuồng máy.

Trong đó, lực lượng Công an kiểm tra, bắt giữ 642 vụ, với 358 đối tượng, hàng hóa trị giá trên 86 tỷ đồng. Trong đó, riêng lực lượng các Tổ liên ngành bắt giữ 217 vụ, với 113 đối tượng, hàng hóa trị giá khoảng gần 16 tỷ đồng.

Lực lương Bộ chỉ huy Bộ đôi Biên phòng bắt giữ 16 vụ, hàng hóa trị giá khoảng 142 triệu đồng. Lực lượng Cục Quản lý thị trường tỉnh bắt giữ 314 vụ, với 314 đối tượng, hàng hóa trị giá khoảng trên 6,1 tỷ đồng. Lực lượng Hải quan bắt giữ 12 vụ, với 12 đối tượng, hàng hóa trị giá khoảng trên 51 triệu đồng.

Trong đó, các đơn vị đã khởi tố hình sự 16 vụ, với 22 bị can về hành vi “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, “Vận chuyển hàng cấm”, “Buôn bán hàng cấm”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

PV (t/h).