Bài liên quan |
Thu nhập bình quân của người lao động xu hướng tăng sau dịch, địa phương cao nhất 12 triệu đồng/tháng |
Đồng Nai có thu nhập bình quân đầu người ở tốp đầu cả nước |
Theo số liệu từ Cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II/2025 đạt 8,2 triệu đồng, giảm 58.000 đồng so với quý I. Dù vậy, con số này vẫn tăng 800.000 đồng so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xu hướng cải thiện về mức sống vẫn đang tiếp diễn, dù chưa thực sự vững chắc. Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2025, thu nhập đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 760.000 đồng, tương đương mức tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Việc thu nhập quý II/2025 giảm nhẹ có thể bắt nguồn từ một số yếu tố như: Sự phân hóa giữa các ngành nghề, mức độ phục hồi không đồng đều của doanh nghiệp, cũng như những áp lực chi phí khiến nhiều đơn vị sản xuất chưa thể cải thiện chế độ lương thưởng như kỳ vọng. Đặc biệt, một số ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng đơn hàng sau giai đoạn chững lại cuối năm 2024.
![]() |
Thu nhập bình quân quý II giảm, thị trường lao động vẫn phục hồi |
Lao động và việc làm tiếp tục mở rộng quy mô
Trong khi đó, các chỉ tiêu về lao động và việc làm lại ghi nhận diễn biến tích cực. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II ước đạt 53,1 triệu người, tăng 169.800 người so với quý trước và tăng 553.200 người so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động đạt 53 triệu người, tăng 542.600 người so với cùng kỳ.
Số người có việc làm trong quý II đạt 52 triệu người, tăng 138.600 người so với quý I và tăng 544.100 người so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân 6 tháng đầu năm, lực lượng có việc làm đạt 51,9 triệu người, tăng 538.100 người so với cùng kỳ. Những con số này phản ánh sự phục hồi rõ nét của thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang triển khai mạnh mẽ đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Không chỉ mở rộng quy mô, chất lượng lực lượng lao động cũng có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trong quý II đạt 29,1%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng, tỷ lệ này đạt 29%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2024.
Đây là kết quả của quá trình đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng và phát triển nhân lực chất lượng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy còn nhiều dư địa để cải thiện, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động đang chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ, số hóa và tự động hóa mạnh mẽ.
Một điểm sáng khác trong quý II là việc tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tiếp tục duy trì ở mức thấp. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động đạt 2,24%, tăng nhẹ 0,04 điểm phần trăm so với quý I nhưng vẫn giảm 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, tỷ lệ thất nghiệp đạt 2,22%, phản ánh khả năng hấp thụ lao động của nền kinh tế đang được duy trì tương đối ổn định.
Cần tiếp tục nâng cao chất lượng việc làm và thu nhập bền vững
Dù thị trường lao động đã và đang chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng, việc thu nhập bình quân quý II giảm nhẹ là lời cảnh báo sớm về những vấn đề tiềm ẩn trong cơ cấu thu nhập và chất lượng việc làm, nhất là trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng khiến đời sống người lao động chịu sức ép không nhỏ.
Để duy trì đà phục hồi và cải thiện thu nhập thực chất cho người lao động, giới chuyên gia cho rằng cần tiếp tục tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, mở rộng đơn hàng, đặc biệt là trong các ngành tạo nhiều việc làm như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến nông sản… Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và kỹ năng cũng cần được xem là nhiệm vụ trung hạn để tạo ra lực lượng lao động thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số, kinh tế xanh và thị trường quốc tế.