Theo báo cáo chỉ số PII của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2023, tỉnh Quảng Trị đứng thứ 52/63 tỉnh, thành phố về sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, thuộc nhóm thu nhập trung bình của cả nước. Điểm số của nhóm chỉ số Tài sản vô hình của tỉnh đạt 29,87 điểm, xếp thứ 4 vùng Duyên hải miền Trung, cho thấy đây là một điểm mạnh cần phát huy và duy trì.
Tuy nhiên, các chỉ số Lan tỏa tri thức (17,04) và Sáng tạo tri thức (0,00) của tỉnh chỉ đạt mức trung bình và không thực hiện, cần được cải thiện hơn nữa. Các chỉ số PII liên quan trực tiếp tới sở hữu trí tuệ (SHTT) về số lượng đơn đăng ký bảo hộ như: văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý... trên 10.000 dân. Với điểm số PII năm 2023 là 29,25, Quảng Trị xếp thứ 55 của cả nước.
Nếu các chỉ số PII được ứng dụng, khai thác có hiệu quả mới có thể mang lại giá trị và được tính là ĐMST. Vì vậy, số lượng sản phẩm cũng như đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được coi là đầu vào quan trọng cho ĐMST, số lượng đơn càng nhiều thì điểm số, thứ hạng chỉ số PII càng được nâng cao. Tổng quan chỉ số PII của tỉnh Quảng Trị mới chỉ ở mức trung bình, với điểm số đầu vào 28,3; điểm số đầu ra 30,19; thể chế 31,16; vốn con người, nghiên cứu và phát triển 26,47; cơ sở hạ tầng 34,06; trình độ phát triển của thị trường 29,93; trình độ phát triển của doanh nghiệp 19,88; sản phẩm tri thức sáng tạo và công nghệ 15,64; tác động 44,75. Tỉnh cần tập trung thêm để cải thiện và phát huy những điểm mạnh, đồng thời khắc phục những điểm yếu của các chỉ tiêu thành phần.
Để nâng cao điểm số nhóm Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh. Xây dựng cơ sở dữ liệu các sản phẩm chủ lực tiềm năng của địa phương để tư vấn và hướng dẫn các chủ thể đăng ký nhãn hiệu, nâng cao chỉ số thành phần là đơn đăng ký nhãn hiệu.
Đồng thời, cần triển khai Dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Khe Sanh” để nâng cao số lượng chỉ dẫn địa lý đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ.
Mặt khác, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Trong đó, triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) giai đoạn 2021-2030. Khuyến khích các hoạt động sáng tạo, ứng dụng sáng chế và giải pháp hữu ích vào thực tiễn. Đồng thời, phát triển các thị trường ĐMST và tăng cường mối liên kết giữa các nhà trong chuỗi phát triển, đặc biệt là kết nối doanh nghiệp với các nhà đầu tư và nhà khoa học. Chương trình phát triển thị trường KHCN và doanh nghiệp KHCN tỉnh Quảng Trị đến năm 2030 phải được triển khai có hiệu quả.
Kết quả chỉ số PII hằng năm là cơ sở để tỉnh đưa ra các giải pháp điều chỉnh phù hợp với điều kiện và đặc điểm riêng của địa phương. Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để phát huy thế mạnh của tỉnh, không ngừng cải thiện điểm số PII. Đặc biệt, chú trọng công tác sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lê Hoàn