Triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tỉnh Quảng Trị đã lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch kinh tế - xã hội, với trọng tâm là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, năng lượng tái tạo được xác định là lĩnh vực mũi nhọn.
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 20 nhà máy điện gió, 3 nhà máy điện mặt trời, 10 nhà máy thủy điện và 151 hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất phát điện thương mại đạt 1.119,5 MW – tăng hơn 2,5 lần so với năm 2020. Nhiều dự án lớn tiếp tục được triển khai như điện khí, nhiệt điện than và các dự án điện gió, thủy điện mới. Cùng với đó, tỉnh tích cực xúc tiến các dự án sản xuất hydro xanh, amoniac từ năng lượng tái tạo với quy mô trên 120.000 tấn/năm, bước đầu định hình ngành công nghiệp năng lượng xanh thế hệ mới.
![]() |
"Cánh đồng điện gió" tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị |
UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo công nghệ cao về năng lượng tái tạo, đặt tại Khu Kinh tế Đông Nam của tỉnh. Hạ tầng truyền tải cũng được đầu tư mạnh mẽ với các công trình cấp bách như Trạm biến áp 500 kV Quảng Trị và các trạm, đường dây đấu nối, nhằm giải tỏa công suất, đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia.
Quảng Trị hiện là địa phương có lợi thế lớn về khí hậu và địa hình để phát triển điện mặt trời và điện gió. Trên cơ sở quy hoạch điện VIII, tỉnh đã đề xuất hàng loạt dự án tiềm năng: 62 dự án điện gió trên bờ với công suất 4.748 MW, 3 dự án điện gió ngoài khơi (2.600 MW) và nhiều dự án điện mặt trời khác. Đặc biệt, tỉnh đang triển khai Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng – dự án trọng điểm quốc gia, cùng Nhà máy điện tua-bin khí Quảng Trị do tập đoàn Gazprom làm chủ đầu tư. |
Các dự án không chỉ đóng góp ngân sách, mà còn tạo hơn 100 km đường giao thông, gần 600 việc làm và nâng cao sinh kế người dân. Tỉnh cũng yêu cầu các dự án đảm bảo môi trường và gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Với quyết tâm trở thành “thủ phủ năng lượng sạch” của miền Trung, Quảng Trị đặt mục tiêu đạt công suất phát điện khoảng 3.000 MW vào năm 2025 và 8.000–10.000 MW vào năm 2030. Bên cạnh chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh chủ động tháo gỡ vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai các dự án chiến lược.