![]() |
Quảng Ninh điều chỉnh kịch bản tăng trưởng năm 2025 với mức tăng trưởng kinh tế lên 14% |
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, kịch bản này được xây dựng trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, căn cơ từng nguồn lực, từng nhân tố tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đồng thời, kịch bản cũng đã xây dựng những giải pháp quyết liệt, trực diện giải quyết vấn đề trong điều kiện thực hiện tốt nhất ở cả 3 khu vực kinh tế.
Ông Vũ Đại Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2025 đạt 14%, cao hơn mức Thủ tướng giao, tăng 2% so với Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 2/12/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 237/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP 14%, quy mô nền kinh tế năm 2025 sẽ đạt khoảng 395.000 tỷ đồng. Đây là mục tiêu đòi hỏi sự cố gắng tối đa, nỗ lực cao nhất của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất được xác định là đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đảm bảo giải phóng toàn bộ nguồn lực cho đầu tư phát triển. Theo đó, phải tập trung tháo gỡ dứt điểm, tổng thể tất cả các điểm nghẽn, vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm nay như: quy hoạch, giải phóng mặt bằng, nguồn đất san lấp; nhanh chóng rà soát, điều chỉnh các quy định không còn phù hợp với thực tế đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền cấp tỉnh...
Đối với việc thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phải tập trung giải phóng mặt bằng nằm trong phạm vi quy hoạch của các khu công nghiệp, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư trong khu vực đang diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay; đồng thời tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Các ngành văn hóa, thể thao, du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức các sự kiện lớn, thu hút 20 triệu lượt khách du lịch; đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới mang lại giá trị gia tăng cao.
Và để đảm bảo kịch bản tăng trưởng này thì Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng phải đi vào sản xuất thương mại đúng như dự kiến, đạt 20.000 ô tô trong năm 2025. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất để có sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; đôn đốc các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư đi vào sản xuất đúng tiến độ đã cam kết, trọng tâm là các nhà máy của các tập đoàn Foxconn, Lite on, TCL...
Phát triển kinh tế số sẽ là một trong tâm, và là trụ cột kinh tế mới của Quảng Ninh. Tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 20% GRDP. Để đạt được điều này, Quảng Ninh đang thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý và sản xuất, đồng thời phát triển thương mại điện tử và các dịch vụ số.
Cùng với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị cần chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn. Trong đó, nghiên cứu các dự án đầu tư hạ tầng một cách tổng thể nhằm phát triển đô thị khu vực xung quanh vịnh Cửa Lục; từ đó, gia tăng lợi thế của đô thị TP Hạ Long trong thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Đây được xác định là động lực phát triển rất quan trọng trong giai đoạn 2026 – 2030.
Bên cạnh đó, hoàn thiện báo cáo trình Trung ương xem xét, quyết định các cơ chế đặc thù cho Khu Kinh tế Vân Đồn; nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương đối với từng chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp được đặt ra, nhất là các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn.