Tại Kế hoạch số 9919, sắp xếp giảm 6 sở, ngành là: hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, tên sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Kinh tế - Tài chính; hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, tên sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Xây dựng và Giao thông; hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tên sở sau khi sắp xếp dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường; hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ, tên sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động. Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh; đồng thời chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam về Sở Kinh tế - Tài chính (sau khi hợp nhất).
Sáng 20/12,Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã ký ban hành Kế hoạch số 9919/KH-UBND định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị khối chính quyền tỉnh Quảng Nam. |
Đối với các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh, theo kế hoạch, tiếp tục duy trì 4 sở, ngành (nhưng có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), cụ thể: Sở VH-TT&DL; Thanh tra tỉnh; Sở Tư pháp; Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh.
Văn phòng UBND tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh hiện nay và chức năng nhiệm vụ của Sở Ngoại vụ chuyển sang.
Tổ chức lại các sở, ngành: Tổ chức lại Sở Y tế trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Đồng thời tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội từ Sở LĐ-TB&XH chuyển sang. Tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy liên quan đến quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ Sở NN&PTNT và Sở Công Thương chuyển sang.
Tổ chức lại Sở GD-ĐT trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức (tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở LĐ-TB&XH).
Tổ chức lại Ban Dân tộc thành Ban Dân tộc - Tôn giáo trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức (tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về công tác tôn giáo từ Sở Nội vụ, nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở LĐ-TB&XH).
Tổ chức lại Sở Công Thương do tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Tổng số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh sau sắp xếp, còn lại là 13 cơ quan chuyên môn, 1 tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh (giảm 6 sở, ngành).
Sau sắp xếp, tỉnh Quảng Nam giảm 6 sở, ngành, giảm tối thiểu 15% đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị. |
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu của Nghị quyết số 18, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 trên nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đồng thời sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
“Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần sự thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” - kế hoạch nêu rõ.
Xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.