Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm tăng cường kết nối, loại bỏ các trở ngại về cơ sở hạ tầng của các khu kinh tế trọng điểm ven biển cũng như các khu dân cư và các khu du lịch ven biển nhằm tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt đồng bộ góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cải tạo hệ thống giao thông thủy nội địa, tăng cường tiêu thoát lũ lưu vực sông Trường Giang, hỗ trợ chống ngập lụt khu vực Tam Kỳ, phục vụ dân sinh, du lịch và phát triển kinh tế khu vực; giảm nhẹ sự ô nhiễm và suy thoái môi trường do thiên nhiên và con người tác động; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực ảnh hưởng dự án.
Dự án còn nâng cao năng lực neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Cửa Đại và Cửa Lở trong các điều kiện khu vực Cửa Đại hoặc Cửa Lở bị bồi lấp tàu thuyền không thể ra vào. Tạo tiền đề để hoàn thiện Khu kinh tế mở Chu Lai theo quy hoạch, làm cơ sở để nghiên cứu phương án thoát lũ cho thành phố Tam Kỳ qua sông Trường Giang.
Dự án do BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Mục tiêu tổng thể nhằm tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ cơ sở hạ tầng thích ứng và nâng cao năng lực lập kế hoạch, quản lý phát triển thích ứng với rủi ro thiên tai tại các địa bàn.
Về quy mô đầu tư dự án nạo vét sông Trường Giang, sẽ thực hiện nạo vét luồng đường thủy nội địa sông Trường Giang phạm vi từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa) với tổng chiều dài 60km. Xây dựng kè tại các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ, kết hợp neo đậu tàu cá tránh trú bão; dịch chuyển, bổ sung hệ thống phao, tiêu báo hiệu đường thủy.
Về tổ hợp công trình thoát lũ thành phố Tam Kỳ, phạm vi xây dựng Kênh tiêu A3 và các công trình trên kênh nối từ hồ sông Đầm ra sông Trường Giang với chiều dài khoảng 2,38km.
Ngoài ra, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng tại các cầu và các đường dẫn vào cầu với tổng chiều dài tuyến chiếu sáng khoảng 2.785m và 7 tủ điện chiếu sáng.
Dự án cũng sẽ triển khai thi công 6 cầu và hoàn trả một cầu dân sinh qua sông Trường Giang theo tiêu chuẩn cấp IV, bao gồm: Cầu Bình Dương, cầu Hưng Mỹ, cầu Bình Nam, cầu Tỉnh Thủy, cầu Tam Thanh và cầu Tam Tiến; địa điểm xây dựng tại TP Tam Kỳ, các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành trên 483ha đất.
Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án khoảng 335 tỷ đồng. UBND tỉnh giao UBND TP Tam Kỳ và UBND các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành làm chủ đầu tư các tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tương ứng phạm vi quản lý.
Theo UBND tỉnh, Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA từ WB khoảng 1.838 tỷ đồng, tương đương khoảng 76,57 triệu USD (chiếm khoảng 67,53%). Vốn đối ứng khoảng 884 tỷ đồng, tương đương khoảng 36,82 triệu USD (chiếm khoảng 32,47%). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2027.
Trọng Tâm