Như vậy, sau hơn một năm hoàn thành hồ sơ và có công văn đề nghị, tỉnh Quảng Nam đã đạt được kết quả mong đợi, khẳng định giá trị văn hóa dân gian đặc sắc từ món Mì Quảng truyền thống trong bản đồ văn hóa phi vật thể nước nhà. Đây cũng là kết quả của nhiều năm nỗ lực vận động, xây dựng lộ trình phát triển ẩm thực đặc trưng xứ Quảng, nhận diện lại chính xác nhiều giá trị văn hóa độc đáo của người dân Quảng Nam qua từng món ăn được chế biến tinh xảo mà hấp dẫn, những món ăn đã đồng hành cùng lịch sử khai hoang khẩn đất miền Trung, như cao lầu phố Hội, Mì Quảng…
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, Mì Quảng là một trong những món ăn dân dã phổ biến, trải qua nhiều thế hệ tiền nhân đất Quảng, qua lịch sử lao động cần cù của người dân sở tại để hình thành. Món ăn này có nhiều biến tấu đa dạng, sử dụng nhiều chất liệu, nguyên liệu dân gian địa phương, gắn với từng hương vị đại diện từng vùng đất địa phương, làm nổi bật các đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian.
Cho đến nay, Mì Quảng vẫn đang được các nghệ nhân, người dân buôn bán kinh doanh tiếp tục chế biến, pha trộn, tạo những cách thức, hương vị, hình thái món ăn đa dạng, khác biệt để thể hiện độc đáo và hấp dẫn hơn, là món ăn không ngừng được sáng tạo thay đổi để phát triển trong dòng chảy ẩm thực đời sống. Do đó, giá trị “tri thức dân gian” trong Mì Quảng vẫn đang là một “biến số” độc đáo của đất và người Quảng Nam, vẫn đang được người dân địa phương chú trọng và tôn vinh bảo vệ. Mới đây nhất, các nghệ nhân Quảng Nam đã biểu diễn giới thiệu 12 biến thể món ăn Mì Quảng đặc sắc tại lễ hội ẩm thực Quảng Nam (Hội An) và khẳng định vẫn còn tiếp tục ra mắt nhiều biến thể Mì Quảng khác.
Nguyên Đức