Với phương châm tận dụng các cơ hội để mở cửa sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình mới, nhiều biện pháp quản trị, kiểm soát rủi ro, chi phí, chuyển đổi số… được các doanh nghiệp áp dụng với mục tiêu tăng cơ hội phát triển trong giai đoạn khó khăn.
Công ty cổ phần Phụ gia PVC xanh (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì) chuyên sản xuất hạt nhựa PVC. Thời gian qua, Công ty đã không ngừng mở rộng sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Trước khó khăn do dịch bệnh, cộng với giá cước vận tải biển tăng cao (trước năm 2020 chỉ từ 20 - 25 triệu đồng/1 container, hiện tăng lên hơn 110 triệu đồng/container), doanh nghiệp một mặt thực hiện tốt quy định phòng dịch, mặt khác đẩy nhanh tốc độ sản xuất để chủ động nguồn hàng, đặt tàu sớm để được mức giá cước vận chuyển tốt nhất. Bên cạnh đó, Công ty cũng đàm phán với khách hàng, thay đổi quy cách đóng gói để nâng trọng lượng mỗi container hàng từ 20 tấn lên 25 tấn.
Ông Tạ Đình Chinh - Giám đốc Công ty cho biết: Trước kia, chúng tôi đóng gói theo kiện, mỗi container chỉ xếp được 20 tấn hàng. Sau khi thỏa thuận và được khách hàng nhất trí, Công ty triển khai đóng bao lẻ, sau đó xếp lên container thì khối lượng mỗi container tăng thêm được 5 tấn (tăng 25% trọng lượng). Qua đó giảm được giá cước vận chuyển. Ngoài ra, doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế từ trong nước để giảm giá thành sản xuất.Với những nỗ lực đó thì trong năm 2021, giá trí xuất khẩu của Công ty đạt trên 10.000 tấn hàng, đạt doanh thu 350 tỷ đồng, tăng 200% so với năm 2020.
“Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp công ty chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19: Hàng hóa tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao, thiếu kho bãi tập kết, phát sinh chi phí quản lý, vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa. Hàng hóa tiêu thụ chậm dẫn đến phải dừng sản xuất gián đoạn. Tuy nhiên chúng tôi đã chủ động xây dựng các kịch bản thích ứng, đổi mới cách thức tiếp cận, tìm kiếm thị trường cung cấp nguyên liệu, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, nhờ những sáng tạo cải tiến trong lao động của cán bộ, công nhân viên nên hoạt động sản xuất của công ty vẫn đảm bảo. Bằng chứng là việc cho ra mắt sản phẩm gạch ốp lát 500x1000mm đầu tiên tại Việt Nam hay kết hợp giữa dòng sản phẩm cao cấp Carving Gold và gạch khổ lớn 600x1200mm... Với những cải tiến đó, TASA tiếp tục là một trong những thương hiệu sản xuất gạch ốp lát hàng đầu Việt Nam” - ông Phạm Hữu Vũ - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gạch men TASA, Khu công nghiệp Thụy Vân cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hanh - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ: Mặc dù diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng các doanhnghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp thích ứng linh hoạt, chủ động tổ chức sảnxuất kinh doanh gắn với tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Do đó,sản xuất công nghiệp của tỉnh trong quý I/2022 vẫn đạt mức tăng trưởng 8,51% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã tạo dấu ấn vượt khó, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu và tăng trưởng mạnh mẽ. Điển hình như Công ty TNHH Namuga Phú Thọ, Công ty TNHH JNTC Vina (Khu Công nghiệp Thụy Vân), Công ty TNHH Almus Vina (Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ)…Trong đó, Công ty TNHH Hanyang Digitech Vina (Khu công nghiệp Phú Hà) có giá trị xuất khẩu lớn, ước đạt trên 5 tỷ USD trong năm 2021, là doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nhiều công ty đã đầu tư mở rộng thêm dây chuyền, gia tăng công suất, tạo được thị trường mới cho tiêu thụ sản phẩm.
Chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch, một số doanh nghiệp du lịch, dịch vụ không trụ vững đã phải tạm dừng hoạt động, tuyên bố phá sản. Tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp “điểm sáng”, chủ động thay đổi phương thức hoạt động, đổi mới hình thức kinh doanh để thích ứng với tình hình.
Ông Lê Văn Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Tổ chức sự kiện và du lịch Hạo Nhiên chia sẻ: Công ty chúng tôi đi vào hoạt động được 2 năm thì dịch COVID-19 bùng phát, các hoạt động chính là tổ chức sự kiện và du lịch đình trệ, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.Chúng tôi phải tìm ra hướng đi mới, xây dựng các sản phẩm mới đảm bảo an toàn và phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch bệnh để tồn tại. Hạo Nhiên Cafe tour ra đời trong hoàn cảnh đó.
"Cafe tour không phải là dịch vụ quá mới mẻ, song nó đã đem lại hiệu quả kinh doanh đối với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn. Không chỉ là nơi kết nối, gặp gỡ, giao lưu của những người yêu thích cafe, Hạo Nhiên Cafe tour còn là địa điểm chia sẻ kinh nghiệm để nuôi dưỡng ý tưởng, đưa ra giải pháp phát triển du lịch, dịch vụ trong trạng thái bình thường mới” - ông Lê Văn Hải thông tin thêm.
Việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa là cơ hội song cũng là những tháchthức mới đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”,với việc thay đổi cách thức quản trị, xây dựng, điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế; đa dạng hoá kênh bán hàng, hình thức bán hàng… nhiều doanh nghiệp vẫn đảm bảo sản xuất, kinh doanh, doanh thu ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho toàn cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay “vượt qua đại dịch COVID-19”.
PV