Phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam

06:09 08/04/2021

Dự án được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thu hồi các thành phần có giá trị trong chất thải rắn sinh hoạt và sau xử lý chất thải rắn sinh hoạt...

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh này - ông Hồ Quang Bửu đã ký ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng (tỷ lệ 1/500) Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam.

Chất thải rắn sinh hoạt bao gồm các loại vỏ chia, vỏ hộp, ống nước, vật tư ốc vít , xong nồi, chảo, dao, máy cưa.. được thải ra trong quá trình sinh hoạt hằng ngày của con người
Chất thải rắn sinh hoạt bao gồm các loại vỏ chia, vỏ hộp, ống nước, vật tư ốc vít , xong nồi, chảo, dao, máy cưa.. được thải ra trong quá trình sinh hoạt hằng ngày.

Đây là dự án đặt tại tại thôn Hòa An, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam với diện tích khoảng 3,77ha.

Tại quyết định nêu rõ, dự án được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các huyện, thị xã, thành phố phía Bắc tỉnh Quảng Nam; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hồi các thành phần có giá trị trong chất thải rắn sinh hoạt và sau xử lý chất thải rắn sinh hoạt để tái sử dụng, tái chế ra các sản phẩm thứ cấp có ích.

Nhà máy gồm các hạng mục công trình khu xử lý rác, khu nhà điều hành, nhà bảo vệ, trạm cân, trạm rửa xe, nhà để xe, nhà đặt trạm biến áp và máy phát điện, ống khói, cổng và tường rào, sân đường nội bộ, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà, khu vực dự trữ phát triển…

Liên danh gồm Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất và Xuất nhập khẩu Huy Hoàng và Công ty cổ phần Môi trường Huy Hoàng Eco chịu trách nhiệm phối hợp với UBND thị trấn Ái Nghĩa, UBND huyện Đại Lộc và Công ty Truyền tải điện 2 để triển khai mốc giới quy hoạch ra ngoài thực địa theo hệ VN2000 để thực hiện quản lý đất đai, đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt và thống nhất tổ chức giải pháp vệt cây xanh trước dự án; tổ chức công bố quy hoạch cho các tổ chức, cá nhân liên quan biết, theo dõi và thực hiện theo đúng quy định bên cạnh các lưu ý an toàn khác.

Được biết, trước đó, hồi tháng 3/2020, Huy Hoàng Eco đề nghị tỉnh Quảng Nam phê duyệt Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với công suất khoảng 300-500 tấn/ngày.

Đến tháng 6/2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp để lắng nghe Huy Hoàng Eco báo cáo nội dung Dự án đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn mang tên Huy Hoàng Eco Bắc Quảng Nam.

Theo báo cáo của công ty, dự án có công suất thiết kế 500 tấn/ngày (giai đoạn 1: 300 tấn/ngày, giai đoạn 2: 500 tấn/ngày), đảm bảo toàn bộ khu vực xử lý và khu vực sản xuất, tái chế được che kín 100%, không phát tán nước rỉ rác, mùi ô nhiễm ra môi trường chung quanh.

Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, xử lý chất thải hiện nay là vấn đề cấp bách được tỉnh Quảng Nam rất quan tâm, do vậy tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này và rất hoan nghênh những cam kết của công ty Huy Hoàng Eco. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực dễ phát sinh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của người dân, do vậy phải hết sức cân nhắc.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thẩm định công nghệ, đánh giá tác động môi trường trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đến tháng 8/2020, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam. Dự án thực hiện tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) trên diện tích 4ha, công suất xử lý 300 tấn/ngày, tổng mức đầu tư từ 500 tỉ đồng trở lên (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tiền thuê đất).

Theo đó, tỉnh ưu tiên nhà đầu tư có công nghệ ít sử dụng quỹ đất xây dựng nhà máy; có khả năng tăng công suất khi cần thiết. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành dự án từ nguồn vốn của mình và được ngân sách tỉnh hỗ trợ sau đầu tư theo quy định. Dự án hoạt động không quá 30 năm kể từ ngày nhà đầu tư ký kết hợp đồng dự án. Thời gian chuẩn bị dự án, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thi công xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị để đưa nhà máy vào vận hành thử nghiệm không quá 12 tháng.

Bộ tiêu chí của UBND tỉnh Quảng Nam xác định, nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực về kinh tế, tài chính, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tháng 10/2020 (02 tháng sau khi công bố bộ tiêu chí), tại website của UBND tỉnh Quảng Nam công bố Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Huy Hoàng và Công ty cổ phần Môi trường Huy Hoàng Eco được UBND tỉnh công nhận là nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch - đầu tư thông báo và hướng dẫn nhà đầu tư nộp hồ sơ trình quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Công ty cổ phần môi trường Huy Hòang Eco được thành lập bởi Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển Đô thị TDH Ecoland và Công ty cổ phần phát triển sản xuất & xuất nhập khẩu Huy Hoàng (thuộc tập đoàn Huy Hoàng).

Trong đó Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển Đô thị TDH Ecoland là thành viên trong hệ thống của Tập đoàn Ecopark. Đồng thời TDH Ecoland cũng là cổ đông lớn, chiếm cổ phần chi phối của Công ty cổ phần đầu tư Ecopark Hải Dương - Chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình.

Công ty TDH Ecoland và Tập đoàn Huy Hoàng đã từng hợp tác dự án "Nhà máy xử lý rác thải Soi Nam" với quy mô 1.000 tấn/ngày đêm. Nhà máy này được hình thành với nhiệm vụ xử lý bãi chôn lấp rác thải Soi Nam (TP.Hải Dương), để hoàn trả mặt bằng xây dựng khu đô thị sinh thái Thái Bình. Ngoài ra còn thí điểm xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho thành phố Hải Dương.
Sau 1 năm dự án nhà máy xử lý rác thải Soi Nam đi vào hoạt động, Tập đoàn Huy Hoàng đã được các cơ quan có thẩm quyền, công nhập và cấp các chứng nhận khoa học khác nhau.

H. An