Phát triển trang trại, hợp tác xã kết hợp du lịch nông nghiệp, nông thôn

15:07 28/03/2021

Ở Việt Nam, phát triển kinh tế TT, HTX nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch đang là hướng đi mới, có tiềm năng lớn nhờ sự đa dạng sinh thái, phù hợp với định hướng chiến lược cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.

Phát triển kinh tế trang trại và hợp tác xã (TT, HTX) là xu thế tất yếu để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong điều kiện đất đai hạn hẹp như hiện nay, cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra ngày càng mạnh, thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng có xu hướng giảm trong cơ cấu thu nhập của người nông dân. Vì thế, cần phải đa dạng hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, trong đó có hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. 

HTX nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch đang là hướng đi mới, có tiềm năng lớn. Ảnh: Internet
HTX nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch đang là hướng đi mới, có tiềm năng lớn. Ảnh: Internet. 

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 34.348 trang trại nông nghiệp. Giai đoạn 2011-2020, chứng kiến sự tăng nhanh về số lượng với bình quân 6,9%/năm. Trong số các trang trại nông nghiệp, trang trại chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất (57,8%), tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc và Đông Nam bộ; tiếp đến là trang trại trồng trọt chiếm 25,6%, tập trung nhiều ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; còn lại là các trang trại khác như: Nuôi trồng thủy sản (NTTS), lâm nghiệp và trang trại tổng hợp nằm rải rác ở các vùng trên cả nước. Các trang trại sử dụng 35.904ha đất, bình quân diện tích đất 3,1ha/trang trại; bình quân 3,7 lao động/trang trại. Thu nhập bình quân lao động thường xuyên đạt 4,9 triệu đồng/tháng. Vốn đầu tư vào sản xuất của trang trại bình quân là 1.042 triệu đồng/trang trại. Doanh thu bình quân của một trang trại đạt 1.478 triệu đồng.

Nhìn chung, phát triển trang trại nông nghiệp đã góp phần tích cực chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện môi trường sinh thái.

Đến hết năm 2020, cả nước có 17.462 HTX nông nghiệp, trong đó HTX hoạt động hiệu quả khoảng 14.650 HTX; hơn 98% số HTX nông nghiệp đã được tổ chức hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012. Có 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; 437 HTX tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP với 823 sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên; 4.028 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cả nước hiện có 24,5% tổng số HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng tỷ lệ sản lượng sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ qua HTX từ dưới 5-7% giai đoạn trước 2015 lên trên 15-20% hiện nay.

Số hộ thành viên trong các HTX nông nghiệp là 3,78 triệu người, chiếm trên 40% tổng số hộ sản xuất nông lâm thủy sản cả nước. Doanh thu bình quân của 01 HTX nông nghiệp đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua đạt 2,44 tỷ đồng/HTX. Thu nhập của lao động làm việc thường xuyên trong HTX nông nghiệp là 3,4 triệu đồng/người/tháng. Thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp. 

Lưu trú, nghỉ dưỡng (homestay): Ở đây khách du lịch không chỉ được trải nghiệm thực hành nông nghiệp mà còn lưu trú lại. Ảnh: Internet
Lưu trú, nghỉ dưỡng (homestay): Ở đây khách du lịch không chỉ được trải nghiệm thực hành nông nghiệp mà còn lưu trú lại. Ảnh: Internet.

Các trang trại, HTX bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp thường kết hợp phát triển du lịch với 04 hình thức chính sau: 1.Du lịch trải nghiệm: Lữ khách đến thăm trang trại được trực tiếp thực hành sản xuất nông nghiệp, nhất là cách thực hành nông nghiệp cổ truyền câu cá, cuốc đất, gieo cấy, thu hoạch…; 2.Lưu trú, nghỉ dưỡng (homestay): Ở đây khách du lịch không chỉ được trải nghiệm thực hành nông nghiệp mà còn lưu trú lại, tận hưởng không khí trong lành, thư thái, quang cảnh đẹp, thân thiện ở các trang trại, hộ gia đình nông thôn; 3.Du lịch cộng đồng: Trong đó cả thôn, bản hoặc một nhóm các hộ gia đình ở nông thôn, trang trại cùng nhau tổ chức thu hút khách du lịch bằng các hoạt động trải nghiệm, lưu trú, thưởng thức ẩm thực, mua bán sản vật mang về…; 4.Gần đây, phong trào OCOP phát triển mạnh, tại các điểm giới thiệu sản phẩm, hội trợ giới thiệu sản phẩm Ocop thường xuyên, cũng trở thành nơi thu hút khách du lịch về nông thôn.

Trong các trang trại, ngoài sản xuất nông nghiệp còn kết hợp thêm các hoạt động du lịch, tập trung nhiều ở những vùng còn quỹ đất rộng, cảnh quan đẹp như miệt vườn miền Đông, miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên, vùng miền núi, trung du; hoặc ở các vùng ven đô thị, vùng phát triển mạnh du lịch… Điển hình như: Mô hình trang trại Đồng Quê; Mô hình nông trại Dê Trắng (Ba Vì, Hà Nội); Mô hình trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-farm (tỉnh Thanh Hóa); Mô hình trang trại nho của ông Nguyễn Văn Mọi với thương hiệu nho Ba Mọi (tỉnh Ninh Thuận). Ngoài ra, còn có các trang trại nông nghiệp nghỉ dưỡng trong các dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sinh thái. Sau khi lập dự án khu nông trại với diện tích có thể lên đến hàng trăm héc-ta, chủ đầu tư chia nhỏ ra hàng chục nông trại, mỗi nông trại quy mô từ vài trăm đến hàng ngàn mét vuông như: Mô hình bất động sản (BĐS) trang trại kết hợp nghỉ dưỡng farmstay G7, quy mô 200ha, tại Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu); Dự án farmstay Hoà Bình Ohara tại Kỳ Sơn (Hoà Bình).

Nhận thấy được tiềm năng phát triển, một số địa phương thời gian qua đã tổ chức xây dựng thành các chương trình du lịch nông thôn gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương. Tỉnh Ninh Thuận xây dựng chương trình tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại nuôi dê, nuôi cừu. Các chương trình du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đàn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh;… Tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng những chương trình du lịch nông nghiệp hấp dẫn như: “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng đã gắn kết các trang trại du lịch vào các tour, điểm du lịch cho khách thăm quan và đã khai thác rất hiệu quả như: một ngày làm nông dân ở Yên Đức (Quảng Ninh), trải nghiệm làm ngư dân ở Việt Hải (Hải Phòng); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); hái vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), hái na ở Chi Lăng (Lạng Sơn); trồng rau ở làng Trà Quế (Quảng Nam); trải nghiệm trồng rau, hoa ở Đà Lạt (Lâm Đồng).

 Lê Mai