Trung Quốc: Ra mắt nền tảng dữ liệu lớn thúc đẩy phát triển ngành lúa gạo |
Thách thức không nhỏ
Từ lâu, lúa gạo là một trong những trụ cột quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ngành lúa gạo còn đóng vai trò to lớn trong phát triển kinh tế và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chia sẻ tại “Diễn đàn nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”, diễn ra chiều ngày 16/7, Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed đã nhắc lại câu chuyện tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS vừa qua tại Cộng hòa liên bang Brasil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo nhiều quốc gia. Trong đó, lãnh đạo các nước như Brasil, Indonesia, Malaysia… đều bày tỏ mong muốn Việt Nam duy trì ổn định xuất khẩu lúa gạo cho họ.
![]() |
Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed |
“Điều này khẳng định rằng, hạt gạo Việt Nam không chỉ là sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống người dân trong nước, mà còn là công cụ ngoại giao và là thành tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một niềm tự hào cho Việt Nam và ngành lúa gạo nước nhà. Tuy nhiên, để ngành lúa gạo thực sự trở thành một ngành kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm...”, Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo nhấn mạnh.
Tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên, chi phí đầu vào tăng cao và yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế, phát triển ngành lúa gạo theo hướng tuần hoàn – bền vững – xanh là con đường tất yếu. Mô hình này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, tận dụng phụ phẩm, mà còn gia tăng giá trị, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Thực tiễn tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực. Trong ngành lúa gạo, có thể kể đến: Mô hình sản xuất lúa - cá - vịt ở Đồng bằng sông Cửu Long giúp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và kiểm soát sâu bệnh sinh học.
Hay mô hình thu gom rơm rạ để trồng nấm, sản xuất phân hữu cơ, làm chất đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Một số hợp tác xã ở Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp đã ứng dụng canh tác hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh và tái tạo phụ phẩm sau thu hoạch, hướng đến tiêu chuẩn gạo sạch, gạo hữu cơ.
Song, theo nhận xét của ông Báo, phần lớn các mô hình này còn mang tính tự phát, thiếu liên kết vùng, thiếu cơ chế hỗ trợ đồng bộ về vốn, kỹ thuật và đầu ra thị trường. Việc phát triển tuần hoàn vẫn còn rời rạc, chưa hình thành chuỗi khép kín từ giống, canh tác, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ và tái tạo tài nguyên.
Giới chuyên gia bày tỏ, chính những điều này là thách thức không nhỏ về môi trường. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hoạt động canh tác lúa chiếm tới 48% tổng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó khí metan (CH₄) - loại khí có khả năng gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp nhiều lần so với CO₂ - chiếm hơn 75%. Đây là con số đáng lưu ý trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát triển thành chuỗi sản xuất an toàn
Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo cho biết thêm, là một doanh nghiệp khoa học công nghệ, ThaiBinh Seed xác định rõ vai trò của mình không chỉ là nhà cung cấp giống mà là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị tuần hoàn ngành lúa gạo.
Theo đó, những năm qua, ThaiBinh Seed đã chọn tạo và cung ứng các giống lúa chất lượng cao, có khả năng thích ứng với canh tác xanh, ít phân, ít thuốc, phù hợp với sản xuất hữu cơ và thân thiện với môi trường. Tiêu biểu là các giống lúa cải tiến có tính kháng sâu bệnh như: BC15 mới có gen kháng đạo ôn, giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá, giống lúa BT7 kháng bạc lá…, giống lúa TBR97 thích ứng rộng, kháng sâu bệnh tốt….
Bên cạnh đó, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với nông dân, hợp tác xã, ứng dụng quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn, kiểm soát chất lượng từ giống – canh tác – thu hoạch – chế biến – tiêu thụ.
Đồng thời đầu tư hệ thống chế biến phụ phẩm: Sử dụng trấu để làm chất đốt cho nhà máy chế biến, cám để phục vụ ngành chăn nuôi, rơm để sản xuất nấm và phân bón hữu cơ. Công nghệ bảo quản, sấy lúa hiện đại giúp giảm tổn thất sau thu hoạch.
Ứng dụng công nghệ số vào quản lý vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản trị chuỗi - nâng cao tính minh bạch và khả năng cạnh tranh; sản xuất lúa bền vững. “Chúng tôi đang từng bước hình thành một hệ sinh thái tuần hoàn thực chất, bền vững và có khả năng nhân rộng. Phát triển ngành lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng,ứo mà còn là giải pháp cốt lõi để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, đảm bảo sinh kế cho nông dân và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực trong tương lai", ông Báo cho biết.
Đề làm được điều đó, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed nhấn mạnh, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân - thị trường. Từ thực tiễn hoạt động, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed đề xuất: Xây dựng một chương trình quốc gia phát triển ngành hàng lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học và nông dân. Đào tạo nông dân về sản xuất bền vững, quản lý tài nguyên.
Bên cạnh đó, ưu tiên nghiên cứu và phát triển giống lúa phù hợp với sản xuất tuần hoàn: giống ngắn ngày, chống chịu tốt, giảm phát thải, sử dụng ít tài nguyên và có khả năng tạo giá trị từ phụ phẩm.
Đồng thời cần hỗ trợ tín dụng, hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật cho các doanh nghiệp và hợp tác xã trong thu gom, xử lý, tái tạo phụ phẩm từ sản xuất lúa; xây dựng các mô hình chuỗi khép kín từ giống – sản xuất – chế biến – phụ phẩm – tiêu thụ – tái tạo tài nguyên, có thể áp dụng rộng rãi và hiệu quả; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quy hoạch vùng nguyên liệu, mã số vùng trồng và các chương trình xúc tiến thương mại gạo chất lượng cao.
"Phát triển ngành lúa gạo tuần hoàn là con đường tất yếu để nâng cao giá trị, bảo vệ tài nguyên, giảm phát thải và mang lại thu nhập bền vững cho người trồng lúa. Đó không chỉ là mục tiêu kinh tế, mà còn là sứ mệnh với môi trường và cộng đồng", ông Báo nhấn mạnh.