Theo báo cáo của Tạp chí The Information dựa trên dữ liệu tài chính chưa được công bố, OpenAI dự kiến sẽ chi 7 tỉ USD cho các mô hình đào tạo AI, trong đó chi phí nhân sự là 1,5 tỉ USD. Tạp chí này viết rằng, công ty có thể thua lỗ 5 tỉ USD trong năm nay. Nếu không huy động thêm vốn, ngân sách của OpenAI có thể sẽ cạn kiệt trong vòng 12 tháng tới.
Mặc dù ChatGPT đã đạt được thành công vang dội với 100 triệu người dùng chỉ sau vài tháng ra mắt, nhưng doanh thu của công ty vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí. Công ty đã trải qua 7 vòng gọi vốn, huy động được hơn 11 tỷ USD và hiện được định giá 80 tỷ USD. Tuy nhiên, với tốc độ đốt tiền hiện tại, OpenAI có thể sẽ cạn kiệt nguồn lực tài chính trong thời gian tới.
OpenAI kiếm được tới 2 tỉ USD từ ChatGPT và khoảng 1 tỉ USD từ phí truy cập LLM (mô hình ngôn ngữ lớn - PV). Tuy vậy, những khoản thu này được cho là chỉ đủ để trang trải chi phí hoạt động của công ty. Chỉ riêng chi phí vận hành ChatGPT đã lên tới 700.000 USD mỗi ngày.
Đây không phải là lần đầu tiên có báo cáo về tình hình tài chính khó khăn của OpenAI. Năm ngoái, The Economic Times cũng đã đưa tin về khả năng phá sản của công ty do chi phí đào tạo mô hình AI (trí tuệ nhân tạo) quá cao.
Một số nhà phân tích trong ngành cho rằng, AI sáng tạo là một bong bóng sẽ sớm vỡ. Họ đặt câu hỏi về khả năng duy trì tăng trưởng của các công ty về AI và cảnh báo về những vấn đề cố hữu của AI sáng tạo như không mang lại lợi nhuận đầu tư, tiêu thụ điện năng lớn...
Mặc dù vậy, cơn sốt xung quanh AI sáng tạo vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. OpenAI vẫn đang tiếp tục đầu tư vào công nghệ này và hy vọng sẽ vượt qua được khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, tương lai của công ty vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
CEO Sam Altman của OpenAI vẫn tỏ ra lạc quan và tập trung vào mục tiêu dài hạn là phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI). Ông tin rằng, AGI sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội và OpenAI sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đạt được mục tiêu này.
Tú Anh (T/h)