![]() |
“Ông vua sá xị” Chương Dương đối mặt năm thứ năm thua lỗ |
Nỗ lực tìm lại hào quang nhưng bất thành
Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương (CDBECO), từng được biết đến là biểu tượng của ngành nước sá xị Việt Nam, tiếp tục chìm sâu trong khó khăn tài chính khi ghi nhận mức lỗ ròng hơn 65,5 tỉ đồng trong năm 2024. Nếu không có sự cải thiện đáng kể trong năm nay, 2025 sẽ đánh dấu năm thứ năm liên tiếp doanh nghiệp này rơi vào tình trạng thua lỗ, với tỷ lệ nợ phải trả hiện vượt hơn 10% tổng tài sản.
Trước bối cảnh đó, ban lãnh đạo Chương Dương dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 kế hoạch tăng trưởng kinh doanh đầy tham vọng, bao gồm việc tăng sản lượng tiêu thụ 38% so với năm trước. Động thái này được kỳ vọng đạt được thông qua việc mở rộng hệ thống phân phối tại khu vực miền Nam và miền Trung.
Bên cạnh đó, công ty cũng lên kế hoạch tung ra sản phẩm mới, góp phần giúp doanh thu kỳ vọng tăng 42% (tương đương khoảng 77 tỉ đồng). Tuy nhiên, dự báo tài chính năm 2025 vẫn cho thấy bức tranh kém khả quan khi công ty ước tính lỗ sau thuế lên đến hơn 80 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí sử dụng đất duy trì ở mức cao và chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay trước đó.
Theo kế hoạch ban đầu, Hội đồng quản trị Chương Dương từng đề xuất phương án vay từ công ty mẹ là Sabeco với tổng giá trị 110 tỉ đồng chia cho hai năm (65 tỉ trong năm 2025 và 45 tỉ trong năm 2026), nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động. Tuy nhiên, đề xuất này đã được rút khỏi chương trình Đại hội đồng cổ đông, với lý do cần thêm thời gian xem xét.
Được thành lập từ năm 1952 với tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp), Chương Dương từng giữ vị thế hàng đầu trong ngành nước giải khát, đặc biệt là dòng sản phẩm sá xị. Hiện các sản phẩm của công ty được phân phối chủ yếu tại khu vực Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, công ty liên tục báo lỗ. Các nguyên nhân chính bao gồm chi phí đội lên do việc di dời nhà máy về Nhơn Trạch, thay đổi nhân sự cấp cao gây xáo trộn trong công tác điều hành, cũng như hiệu suất kém từ dự án cho thuê kho xưởng tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (Bình Dương). Ngoài ra, chi phí thuê đất tăng mạnh theo các quy định mới từ tháng 8/2024 cũng khiến gánh nặng tài chính gia tăng. Tổng chi phí thuê đất trong ba năm qua của công ty đã vượt 105 tỉ đồng, riêng năm 2025 dự kiến khoảng 48,5 tỉ đồng.
Từ biểu tượng một thời đến bài toán tái định vị thương hiệu
Vào thập niên 80, câu quảng cáo: "Nước ngọt Con Cọp hoan hô – Với chai hoả tiễn, điểm tô cuộc đời" trở nên quen thuộc với người tiêu dùng tại miền Nam. Nước sá xị con cọp được coi là món đồ uống thời thượng, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng thuộc mọi lứa tuổi nhờ hương vị đặc trưng riêng. Trung bình mỗi tháng, một đại lý nhỏ cũng bán được cả trăm nghìn sản phẩm. Trong một bản tin của VTV hồi năm 2018, ông Thái Quang Minh – Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng CDBeco khi đó cho biết vào những dịp Tết trước đây, ở từng mâm cơm trong mọi gia đình đều có sự hiện diện của chai nước sá xị. "Nói đến Sá Xị Chương Dương, mọi người đều có những lời nhận xét rất tốt đẹp. Khi tặng cho ai đó thùng sá xị, họ cũng cảm thấy rất vui và nghĩ ngay rằng sắp đến Tết", người đàn ông gắn bó 20 năm với CDBeco tự hào.
Tuy nhiên, đến thập niên 90, với sự xuất hiện của các "ông lớn" trong ngành nước giải khát của các tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola, PepsiCo… với chiến lược marketing bài bản, nguồn lực tài chính dồi dào và sản phẩm đa dạng thì Sá Xị Chương Dương bắt đầu lép vế. Sá Xị Chương Dương dần đánh mất lợi thế cạnh tranh, khi vẫn trung thành với mẫu mã truyền thống và dây chuyền sản xuất lạc hậu.
Một trong những hạn chế lớn khiến "con cọp sá xị" khó bứt phá chính là việc chậm thích nghi với thị trường hiện đại, từ thiết kế bao bì, hệ thống phân phối đến trải nghiệm người dùng. Trong khi những thương hiệu quốc tế không ngừng đầu tư cho chiến lược thương hiệu toàn diện, thì CDBeco vẫn giữ lối tiếp cận truyền thống, ít thay đổi qua nhiều năm.
Dẫu vậy, ban lãnh đạo công ty đã bắt đầu nhận ra tính cấp thiết của việc làm mới hình ảnh thương hiệu. "Chúng tôi hiểu rằng không thể sống mãi bằng hào quang quá khứ. Việc thay đổi nhận thức thương hiệu là điều bắt buộc nếu muốn tồn tại và phát triển trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay", năm 2018 ông Thái Quang Minh – Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Công ty lúc đó đã chia sẻ.
Thời gian gần đây, đội ngũ marketing cùng ban giám đốc đã cùng nhau xây dựng những định hướng mới, tập trung vào việc cải tiến hình ảnh thương hiệu, tái cấu trúc danh mục sản phẩm và kết nối lại với thế hệ người tiêu dùng trẻ – nhóm khách hàng có ảnh hưởng mạnh đến xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Theo đánh giá từ ban lãnh đạo, thị trường nước giải khát Việt Nam năm 2024 đạt quy mô hơn 8,7 tỉ USD với nhiều xu hướng mới nổi. Người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang các sản phẩm tốt cho sức khỏe như nước ép trái cây nguyên chất, sữa hạt, trà thảo mộc và nước uống bổ sung dưỡng chất (collagen, probiotic). Bên cạnh đó, yếu tố bảo vệ môi trường và cá nhân hóa sản phẩm về hương vị, mẫu mã cũng ngày càng được chú trọng. Những thay đổi này mở ra cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp nếu không kịp thời thích nghi và đổi mới trong chiến lược sản phẩm lẫn vận hành.
Nhưng liệu có phải, bài toán dành cho Chương Dương lúc này không chỉ là vực dậy doanh thu, mà còn là hành trình lấy lại niềm tin của người tiêu dùng – những người từng xem sá xị là một phần ký ức tuổi thơ, nhưng giờ đây đã quen với những lựa chọn mới mẻ, tiện lợi và hiện đại hơn.