OCOP đưa nông thôn Hà Tĩnh theo hướng phát triển nội lực

16:44 30/03/2021

Chương trình OCOP của Hà Tĩnh đã góp phần tạo chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế vùng nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã xem đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, và đã cụ thể hóa bằng triển khai xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Thành quả sau gần 3 năm triển khai, Chương trình OCOP của Hà Tĩnh đã góp phần tạo chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế vùng nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Cụ thể, toàn tỉnh đã hình thành trên 300 ý tưởng sản phẩm và trong đó có 152 sản phẩm đánh giá phân hạng đạt 3 sao, 7 sản phẩm đạt 4 sao. 

OCOP đưa nông thôn Hà Tĩnh theo hướng phát triển nội lực
OCOP đưa nông thôn Hà Tĩnh theo hướng phát triển nội lực.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, hầu hết các sản phẩm sau phân hạng đều tăng nhanh về doanh số bán hàng. Các sản phẩm trước khi tham gia OCOP đạt 341,5 tỷ đồng, sau khi tham gia OCOP (năm 2020) đạt 477 tỷ đồng.

Một số sản phẩm có doanh số tăng 3 - 5 lần so với trước. Đơn cử như Nước mắm: Phú Khương, Nhất Ninh, Luận Nghiệp ở Kỳ Anh và TX Kỳ Anh; các sảm phẩm nhung hươu: Hiền Ngọc, Hương Luật, Chiến Sơn ở Hương Sơn). Người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã hiểu biết, yên tâm lựa chọn sử dụng sản phẩm OCOP Hà Tĩnh.

Bên cạnh việc ban hành cơ chế chính sách, Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hình thành hệ thống phân phối sản phẩm OCOP. Hiện, trên địa bàn đã có 16 cửa hàng giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Tỉnh đã ban hành quy chế quản lý cửa hàng để hình thành kênh tiêu thụ riêng cho sản phẩm OCOP, tránh việc lợi dụng thương hiệu OCOP để bán hàng kém chất lượng, hàng không phải OCOP.

Ngọc Tình