Thị trường hướng nghiệp lớn, nhưng thiếu trải nghiệm
Dù hoạt động kinh doanh trong ngành tư vấn luật hơn 10 năm qua, nhưng nữ doanh nhân Trần Đông Phương vẫn luôn đau đáu về chuyện sinh viên ra trường làm trái ngành. Tình trạng này cũng diễn ra ở công ty của bà Phương.
Mấy năm trước, khi phỏng vấn nhân sự vị trí marketing cho công ty, bà Phương khá bất ngờ khi người ứng tuyển lại học chuyên ngành logistics. Dù vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc nhưng bà vẫn thấy tiếc cho công học nhiều năm trời của người xin việc.
Đi sâu tìm hiểu, bà Phương nhận thấy có một lỗ hổng khá lớn trên thị trường hướng nghiệp. Dù thị trường giáo dục hướng nghiệp toàn cầu có quy mô hàng chục tỷ USD nhưng lại đang thiếu mô hình trải nghiệm. Điều này ảnh hướng khá nhiều đến quyết định chọn nghề của học sinh. Cụ thể, báo cáo nghiên cứu Thị trường Tư vấn Giáo dục nghề nghiệp Toàn cầu (giai đoạn 2023-2030) của Grand View Research (Mỹ) dự báo rằng thị trường tư vấn giáo dục nghề nghiệp toàn cầu sẽ đạt gần 15 tỷ USD vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,5% trong giai đoạn 2023-2030.
Dù tiềm năng rất lớn nhưng hoạt động hướng nghiệp thực tế mới chỉ dừng ở mức độ tư vấn và định hướng. Cũng theo Grand View Research, các công ty tư vấn hướng nghiệp hàng đầu trên thế giới đều nằm ở Mỹ (CareerBuilder, Monster, LinkedIn…). Dù vậy, các công ty này cũng chưa hề có mô hình giúp học sinh trải nghiệm nghề nghiệp thật sự.
Tại Mỹ, theo bà Phương, từ lớp 5, học sinh sẽ làm một bản tìm hiểu chi tiết (mức lương bao nhiêu, cần học bao lâu thì có thể làm việc…) về nghề nghiệp yêu thích để làm quen dần. Lên cấp 2 và cấp 3, học sinh sẽ được tìm hiểu nghề nghiệp kỹ hơn. Trong trường cấp ba thường xuyên có những ngày hội hướng nghiệp và chuyến thăm của các trường đại học, thậm chí cả quân đội dành cho những bạn muốn theo nghiệp quân ngũ. Đặc biệt, hệ thống cố vấn học đường Mỹ (ASCA) làm nhiệm vụ tư vấn toàn diện cho học sinh. Ngoài ra, các câu lạc bộ giả định công việc thực tế do các trường tổ chức, là cơ hội để học sinh hiểu rõ mình phù hợp với ngành nghề nào.
Còn tại Vương quốc Anh, hoạt động tư vấn hướng nghiệp diễn ra trong suốt quá trình học tập của học sinh, từ bậc tiểu học đến bậc đại học. Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp được thiết kế phù hợp với từng lứa tuổi và nhu cầu, nhằm giúp học sinh xác định và đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, mô hình hướng nghiệp ở quốc gia này chỉ liên kết thông tin nghề nghiệp với chương trình giảng dạy. Báo cáo đầu năm 2023 của Văn phòng Tiêu chuẩn Giáo dục, Dịch vụ và Kỹ năng trẻ em (Ofsted) – thuộc Quốc hội Anh, không nhắc đến một chương trình hướng nghiệp trải nghiệm nào.
Tại Việt Nam, hướng nghiệp mới chỉ dừng lại ở các ngày hội tuyển sinh, hội thảo hướng nghiệp trong 1-2 ngày. Việc chọn nghề chủ yếu dựa vào lời khuyên của người thân, hoặc học sinh chọn theo hướng “hoàn thành ước mơ của cha mẹ”. Thực tế này khiến khoảng 60% sinh viên ra trường phải làm trái ngành. Tỉ lệ này ở một số ngành còn cao hơn, gần 70%, như các ngành nông lâm hay thú y.
Dự án táo bạo: đi làm rồi mới chọn nghề
Với mong muốn giúp học sinh chọn đúng nghề, Công ty Juvenis Maxime đã ra đời, với trọng tâm là khóa học hướng nghiệp trải nghiệm. Các tiêu chuẩn của khóa học được xây dựng để phù hợp với môi trường làm việc toàn cầu.
Bà Phương chia sẻ, chương trình hướng đến mục tiêu trải nghiệm. Do đó, mỗi học sinh sẽ tự mình thực hiện một dự án cụ thể, được hướng dẫn trực tiếp bởi một người thầy nước ngoài (mentor). Dự án này chính là công việc cụ thể ở công ty mà mentor này đang công tác. Chẳng hạn, học sinh sẽ tự thiết kế một dự án quản lý mạng internet nội bộ hoặc kế hoạch quản lý tài chính cho công ty. Sẽ có nhiều dự án khác nhau để học sinh lựa chọn.
Chương trình trải nghiệm này kéo dài 8 tuần, gồm 1 tuần tham quan thực tế doanh nghiệp (có dự án mà học sinh triển khai). Trong suốt thời gian trải nghiệm, bất cứ khi nào học sinh thấy chưa đủ say mê và muốn dừng lại thì sẽ được tư vấn chuyển sang dự án khác.
Các mentor cũng được Juvenis Maxime tuyển chọn kĩ lưỡng qua nhiều vòng làm việc. Họ đều là các chuyên gia lâu năm trong ngành mà họ công tác. Theo bà Phương, các mentor này là những chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc, v.v. Theo đó, chương trình hướng nghiệp tiên phong này cũng được triển khai hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Hiện tại, Juvenis Maxime đang triển khai hai dự án thuộc ngành công nghệ thông tin và tài chính. Dự kiến sắp tới, theo CEO Trần Đông Phương, một số ngành dễ kiếm việc làm, có lương cao hoặc phù hợp xu thế sẽ được ưu tiên triển khai trước. Học sinh từ cấp 2 đã có thể tham gia các dự án trải nghiệm tại Juvenis Maxime.
Lý giải về định hướng này, bà Phương cho rằng, định hướng càng sớm càng có nhiều thời gian chuẩn bị. “Các quốc gia phát triển đều giúp học sinh định hướng nghề nghiệp từ lớp 5”, bà cho biết. Ngoài việc có nhiều thời gian tập trung cho các môn thi đại học, học sinh còn có cơ hội chọn lại khi thấy mình không phù hợp với nghề nghiệp mình từng rất thích. Định hướng sớm và đúng sẽ giảm bớt tình trạng “cử nhân, thạc sĩ chạy xe ôm” đang tràn lan hiện nay.
Đánh giá về chương trình này, một chuyên gia trong ngành giáo dục cho biết, gần như đây là mô hình đầu tiên trên thế giới. Nếu được triển khai tốt thì mô hình này sẽ rất tiềm năng, vì nhu cầu thị trường rất lớn.
Về mặt kinh doanh, theo Tiến sĩ Trịnh Đoàn Tuấn Linh – chuyên gia tài chính, dù tiềm năng nhưng doanh nghiệp cũng đối mặt không ít thách thức. Trước hết, do mô hình mới nên bước đầu chưa thể đạt chất lượng tốt nhất. Dù nội dung chương trình có tốt nhưng nếu quản lý và triển khai không tốt cũng khó đạt mục tiêu đề ra. Hơn nữa, trong giai đoạn đầu, chi phí hoạt động và marketing cần được tính toán chi tiết, để cân bằng được chất lượng chương trình và lợi nhuận doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, TS Linh cho rằng, đối với mỗi ngành, Maxime nên có 5-10 dự án trải nghiệm. Bởi một ngành nghề có rất nhiều công việc cụ thể. Nhưng dù sao, đây cũng là mô hình mà học sinh Việt Nam đang rất cần.
Xuân Cường