“Nữ chúa” đứng sau bông Tân Cương

10:52 02/04/2021

Sự vụ bông Tân Cương khởi nguồn từ thương hiệu H&M đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhưng ít ai biết rằng đứng sau đó còn có một công ty dệt may Trung Quốc được mệnh danh là “Huawei” của ngành may mặc – Tập đoàn Esquel và cũng là nhà cung cấp của thương hiệu Li Ning.

Trước sự cố bông Tân Cương, Yang Minde, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hiện tại của Tập đoàn Esquel cho biết: “Ở nước ta, bông chủ lực chỉ có ở Tân Cương và chỉ ở Tân Cương mới có loại bông tốt như vậy.” 

Yang Minde
Yang Minde. (Ảnh: toutiao)

Từ "nhàm chán" đến "tham vọng"

Yang Minde sinh ra trong một gia đình kinh doanh giàu có và là chủ sở hữu tập đoàn Esquel - nhà sản xuất hàng may mặc cotton hàng đầu thế giới. Năm 1917, ông cố của Yang Minde đã thành lập xưởng dệt đầu tiên của gia đình tại Thượng Hải, sau này cơ sở trở thành xưởng tơ lụa lớn nhất tại đây dưới sự quản lý của ông nội dòng họ Yang. Tuy nhiên, thời thế thay đổi chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh, ông nội của Yang Minde chuyển nhà máy dệt đến Hong Kong và công việc kinh doanh của gia đình rơi vào tay con rể của ông là Yang Yuanlong, cha của Yang. Ông Yang là một doanh nhân cực kỳ xuất chúng. Năm 1978, ông Yang thành lập tập đoàn Esquel mở các nhà máy ở Malaysia, Sri Lanka, Singapore, Mauritius, Philippines và những nơi khác, dần dần trở thành công xưởng của nhiều thương hiệu thế giới. Yang Minde đã được đào tạo sâu sắc từ khi còn là một đứa trẻ được tiếp xúc với công việc kinh doanh, đặt nền móng quản lý công ty sau này.

Yang tiếp quản công ty kể từ khi cha cô lâm bệnh. Những ngày đầu, Yang cảm thấy nghề dệt may không có nhiều thách thức và nhàm chán. Tuy nhiên sau một thời gian trải nghiệm, Yang Minde hiểu ra rằng: Thế hệ cha ông chỉ cố gắng sống sót và kiếm miếng ăn còn thế hệ mới như cô lúc bấy giờ đang đứng trước một cơ hội ngàn vàng chưa từng có. Năm 1995, Yang Minde chính thức kế nhiệm vị trí chủ tịch Yang Yuanlong. Lúc này, cô trong vai một doanh nhân trẻ háo hức muốn thử sức, dẫn dắt Esquel bước ra khỏi cái bóng của quản lý doanh nghiệp gia đình. Cho đến khi bước vào tuổi 40, Yang Minde mới xác nhận rằng trở thành một phần của Esquel là thành công lớn nhất cuộc đời cô.

“Nữ chúa bông Tân Cương”

Sau khi chính thức tiếp quản Esquel, Yang Minde làm việc theo phương châm “dám làm và dám chịu”. Để đảm bảo chất lượng của các sản phẩm may mặc thành phẩm, Yang Minde có yêu cầu cực kỳ cao về chất lượng sợi. Cô phát hiện ra rằng bông chủ lực của Tân Cương có thể sánh vai với các nhà cung cấp ở nước ngoài. Yang quyết định đầu tư 100 triệu đô la Mỹ để xây dựng nhà máy ở Tân Cương nhằm khôi phục hạt giống lâu đời của vùng này bất chấp sự hoài nghi và ngăn cản của các quan chức cao cấp trong công ty. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Ngày nay, Esquel đã trở thành nhà cung cấp hàng dệt may với đầy đủ dịch vụ hàng đầu thế giới, có khoảng 40.000 nhân viên và gần 100 triệu sản phẩm may mặc được sản xuất hàng năm. Bản thân Yang được nhiều phương tiện truyền thông trên thế giới đánh giá là một trong những phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất châu Á.

Tuy nhiên trên thực tế, ngay từ năm 2019, Hoa Kỳ đã “đánh động” Esquel về lao động cưỡng bức. Kể từ sau tháng 7 năm 2020, công ty này không được phép kinh doanh tại Hoa Kỳ hoặc nhận đơn đặt hàng từ các công ty may mặc của nước này. Kết quả là đã có một số thương hiệu quần áo, giày dép và mũ tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương. Đây là một đòn gần như chí mạng đối với Esquel vì doanh thu ở nước ngoài của Esquel chiếm 70%. Trong đó, các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Polo và J. Crew đều là khách hàng lớn của công ty bông Trung Quốc. Một số lượng lớn đơn đặt hàng của Esquel bị hủy bỏ gây áp lực tồn kho đẩy Esquel đến bên bờ vực phá sản. Trên tất cả, Yang Minde với một tinh thần thép lèo lái Esquel phản đối sự tẩy chay của phương Tây và ủng hộ Bông Tân Cương. Có nguồn tin trong ngành cho biết Yang dứt khoát trả lời rằng: “Không thể giao Esquel cho người Mỹ”. Tựu chung, vụ việc Bông Tân Cương sẽ không dừng lại tại đây và đối với Yang Minde vẫn còn một “cuộc chiến” trước mắt.

TL