Nỗi lo mùa lễ hội cuối năm

09:49 26/12/2020

Hạn chế tổ chức lễ hội với quy mô lớn – đó là nội dung đáng chú ý nhất tại công văn vừa được thành phố Hà Nội ban hành về vấn đề thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021. Kèm theo đó, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu đẩy mạnh khâu tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa của lễ hội và không để việc tổ chức lễ hội biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi.

Chắc chắn, những gì được nhắc tới không chỉ là giải pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho cộng đồng trước nguy cơ dịch Covid-19. Xa hơn, nó còn gắn với một thực tế: cách mà các lễ hội diễn ra trong những năm qua luôn là câu chuyện khiến giới quản lý... đau đầu.

Bởi rất nhiều lễ hội - chủ yếu là lễ hội Xuân - trong số đó luôn diễn ra với kịch bản giống nhau: Một biển người dồn về với khói hương nghi ngút, chen chúc nhau khi vào lễ và giẫm đạp lên nhau khi tham gia các diễn xướng có màn “phát lộc”.
Để rồi, cùng với sự hoành hành của các nạn cờ bạc, xả rác bừa bãi hay “chặt chém” du khách, lễ hội đang dần gắn với cái nhìn thiếu thiện cảm và mất đi bản chất truyền thống vốn có, khi mà người tứ xứ chỉ biết tới hội, nườm nượp đặt lễ, sau đó ăn nhậu rồi... rút lui.
Chú thích ảnh
Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại do thành phố Hà Nội tổ chức vừa diễn ra. Ảnh: TTXVN
Như lời kể của những người cao tuổi, các lễ hội ở Việt Nam vài chục năm trước không vậy. Với hầu hết du khách, chuyện cúng bái đôi khi lại không quan trọng bằng việc thong thả vãn cảnh chùa chiền đền miếu, rồi tiếp đó là trải nghiệm các trò chơi dân gian. Xa hơn nữa, từ thế kỷ trước, người đi trảy hội còn có thể thong thả tới nơi từ hôm trước, thuê thuyền đi chơi, ngủ đêm rồi hôm sau mới vào khấn.
Bởi thế, cũng chả có gì lạ khi nhiều du khách bây giờ lại có tâm lý “trốn” các lễ hội nổi tiếng, để hy vọng tìm được sự thảnh thơi khi tới những lễ hội nhỏ lẻ và không có cảnh hàng chục vạn du khách chen chúc đổ về.
Theo các chuyên gia, lễ hội truyền thống của người Việt khi xưa thường mang quy mô nhỏ. Là người dân bản địa, những người dự lễ hội vốn sẵn gắn kết với nhau bởi mối quan hệ làng xã hoặc dòng tộc và cũng rất có ý thức về phong tục văn hóa địa phương. Khách thập phương đến chơi hội phần đông cũng là người tại các làng bên hoặc cùng trong một tổng.
Để rồi theo thời gian, khi nhu cầu xã hội thay đổi, những không gian lễ hội truyền thống ấy bị phá vỡ rất nhanh, khi khách thập phương có thể tùy ý kéo về các lễ hội ở bất cứ đâu. Và, tâm lý ham vui, chuộng lạ (trước những lễ hội có diễn xướng truyền thống độc đáo) cũng như “cơn sốt” lễ bái ít nhiều mang tính chất a dua đã khiến lễ hội rất dễ rơi vào cảnh bát nháo như bây giờ.
Sự thực, trước nhu cầu đó, không ít lễ hội địa phương đã được “nâng cấp” mở rộng quy mô, thay đổi nội dung... một cách tùy tiện theo một khuôn mẫu chung: Phần lễ và phần hội tách biệt. Ở đó, phần lễ thì nặng nghi thức hành chính, trong khi phần hội lại có xu hướng kéo dài và dần ghép với đủ loại hình nghệ thuật, trò chơi khác nhau để hút khách thập phương. Đó là câu chuyện về sự ấu trĩ trong cách tiếp cận truyền thống, về sự “phóng tay” khi tổ chức lễ hội, dù lấy từ ngân sách hay được doanh nghiệp địa phương tài trợ, người dân đóng góp và trong một chừng mực, là chuyện về tư duy kinh doanh, coi lễ hội là một dịp “tổ chức sự kiện” để mang lại nguồn lợi cho địa phương mình.
Không phải ngẫu nhiên, mà nhiều người nói rằng chữ “lễ hội” luôn có lý khi đi kèm với nhau, bởi phần “hội” chỉ để truyền bá phần “lễ”. Và khi không còn “lễ” bởi sự bát nháo và thiếu hiểu biết, thì lễ hội - như cách ta đang gọi - chỉ còn mang ý nghĩa tạp kỹ, giải trí rất bình thường.
Chuyện yêu cầu thu hẹp quy mô tổ chức lễ hội chỉ là bước khởi đầu. Phía sau nó sẽ là một con đường dài hơn về nhận thức của cả cộng đồng, để lễ hội không bát nháo như cách người ta luôn lo lắng trước khi Xuân về.
Trí Uẩn/thethaovanhoa.vn 
Tags: