Hơn 20km đường đèo Hải Vân khiến cho hành khách đi tàu hỏa tuyến Bắc - Nam rợn người vì địa thế cheo leo nơi đây…Thế mà hàng chục người phụ nữ mỗi ngày vài lượt vắt vẻo bám ngoài thành tàu đang chạy ven bờ vực thẳm để mưu sinh.
“Đội đặc nhiệm” Con tàu SE2 Bắc – Nam rời Ga Huế đi Đà Nẵng đang vào những vòng cua hẹp nhất trên đèo Hải Vân, nơi được gọi là Đèo Mây (vì mây mù phủ quanh năm) bỗng có tiếng gõ vào cửa sổ gấp gáp. Qua làn sương mờ, mấy bóng đen vắt vẻo bên ngoài cửa sổ của con tầu đang lao vun vút. Mấy cụ già lần đầu đi tàu hoảng hốt, không hiểu chuyện gì. Nhấc tấm lưới và nhựa bảo vệ cửa sổ lên bèn thấy 1… 2... 3... 4 phụ nữ chuồi mình qua khe cửa sổ nhanh như diễn viên xiếc cùng những túi hàng to tướng. Một chị chừng lớn tuổi nhất (khoảng 50 tuổi) giọng còn run bần bật vì gió rét: “Cảm ơn chú nghen. Tui tên Phương”. Vừa đặt chân lên tàu, 4 chị bước nhanh tỏa đi các hướng, miệng đã lập tức: “Mực khô, cá ngựa khô Lăng Cô đê… cô bác, anh chị ơi”. Chao ôi! bán hàng rong mà hoạt động cứ như đặc nhiệm!
|
|
Mấy chị bán hàng này “nhảy tàu” lên ở toa ghế cứng, nhưng lại tỏa sang mấy toa giường nằm để bán hàng. Lý giải cho việc này, chị Phương kể: “Toa ghế cứng, giá vé rẻ, toàn dân lao động, cùng cảnh nên mình gõ cửa họ mới mở cho. Bên toa giường nằm toàn người có tiền với Tây, họ sợ mình trèo lên trộm cắp chi đó của họ, nên gõ cửa, họ không có mở cho vô. Nhưng bán hàng bên toa ghế cứng ít khách mua hơn toa giường nằm. Chú mở hàng cho tui cân mực khô đi!”. Mua xong cân mực khô, chị Phương cứ nấn ná ngồi trò chuyện, tôi phải giục: “Chị không đi bán hàng đi?”. Chị cười thật thà: “Nói thiệt với chú. Cân mực khô chú vừa mua, tui lãi tám chục (80.000 đồng) lận. Lần sau có mua cũng phải mặc cả đôi lời chớ. Hôm nay tui hên, 4 lần nhảy tàu đều bán được hàng, coi đủ định mức rồi, nhường cho các chị em khác”. Chị là Nguyễn Thị Phương, người xóm Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Nơi đây là chân đèo Hải Vân về phía Nam, hàng ngày chị nhảy tàu từ chân đèo Hải Vân bên Đà Nẵng sang đến chân đèo bên Huế thì nhảy xuống chờ chuyến tàu ngược lại. Chị có cậu con trai 10 tuổi, hỏi: “Cha thằng bé làm nghề gì?”, chị thở dài cái thượt: “Nhắc tới cha hắn làm chi? Tui cũng hổng có biết. Cha con hắn đâu biết mặt nhau”… Đội hình nhảy tàu bên phía Kim Liên (Đà Nẵng) có khoảng 30 người, bên phía Lăng Cô (Huế) cũng chừng đó. Nghề này có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng đến tận bây giờ những tai nạn thương tâm vẫn thường xuyên diễn ra. Nhìn các chị đeo túi hàng về một bên vai, rất dễ rơi lúc nhảy tàu, tôi ra vẻ hiểu biết giảng giải: “Các chị phải cho hàng vào ba lô gọn gàng như em đây. Đeo ba lô hàng vào lưng chắc chắn, hai tay thoải mái, muốn hoạt động gì cũng linh hoạt hơn”. Mấy chị bảo: “Chú hổng có biết. Tụi tui khoác hờ vậy để lỡ có vướng vào cái chi là mình buông tay được ra ngay. Trước đây có người đeo ba lô vướng phải cái móc sắt không gỡ kịp, mất mạng rồi đó”. Năm 2010, bà Đặng Thị Chín và anh Lê Tám (phường Hòa Hiệp Bắc) - hai thành viên trong “phi đội nhảy tàu” đã bị tai nạn, mất mạng trên đường mưu sinh. “Từ sáng sớm, bà Chín, anh Tám cùng một số người nữa dậy sớm chuẩn bị hàng để bám theo bán trên chuyến tàu SE2 từ TP Hồ Chí Minh - Hà Nội. Khi chúng tôi đã trèo lên bám vào thành tàu thì đoàn xe lửa phóng nhanh như bay, hú còi chuẩn bị vượt hầm Hải Vân. Do ba lô của anh Tám bị vướng vào móc sắt không kịp chui vào tàu, bà Chín lại ở phía ngoài vướng anh Tám cũng không chui vào kịp. Cả hai bị đập vào miệng hầm, mất mạng”. Mấy chị em bùi ngùi kể lại. Đối với dân nhảy tàu, những trường hợp thương tích kể không hết, nhưng chị Thanh chỉ tặc lưỡi thở dài: “Nguy hiểm ai cũng biết nhưng làm sao tránh đây? Phải mưu sinh mà”.
Tìm chút ánh sáng cuối đường hầm Con tàu Nam - Bắc SE8 từ Đà Nẵng ra Huế sắp vào đường hầm, đưa ống kính máy ảnh qua cửa sổ, tôi thấy toa phía sau có người đàn bà bám bên thành tàu, chị đang đập tay cuống quýt vào cửa kính mà sao cánh cửa vô cảm ấy vẫn chưa mở ra... Sát cửa hầm hơn, những cái đập tay càng trở lên tuyệt vọng gấp gáp, tôi lạnh toát người khấn thầm: “Cửa ơi... Mở ra đi... Mở ra đi... Nào mở ra đi...”. Nhìn tấm cửa im lìm, tôi vứt máy ảnh chạy như điên về phía toa đó, lúc lao vào thấy một đám sinh viên đang ngồi gà gật tôi gào “Mở cửa sổ mau” nhưng chả ai động đậy, thì ra đứa nào cũng đeo phone nghe nhạc ở tai nên chả nghe thấy gì. Tôi lao ra mở cửa kéo chị áo xanh vào cũng là lúc tầu chạm mép cửa hầm. Chị áo xanh nhoài người vào, mặt thất thần: “Hú hồn”. Chị tên Loan, người bên phía Lăng Cô, Huế. Hoàn hồn chị kể: “Không sợ đập người vô miệng hầm bởi hầm cũng đủ rộng. Nhưng bị cây đập vô người như chị Tư Thiện bữa trước là phải nằm bệt mất tháng trời đó”. Thì ra miệng hầm ở hai đầu có những cụm dây leo mọc dài ra buông lơ lửng, khi tàu lướt qua những dây leo ấy, nó như những cái roi quật mạnh lên thành tầu, người bám bên thành tàu cũng sẽ phải chịu cú quất mạnh như trời giáng ấy… Trước đây, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hòa Hiệp Bắc đã kết hợp DN tìm việc làm cho chị em phụ nữ làm nghề đu bám tàu, bán hàng rong. Năm 2011, Hội Liên hiệp phụ nữ phường đã liên hệ với Công ty Thủy sản Bắc Đẩu (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tạo việc làm cho gần 40 chị, ngoài ra hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm cho hơn chục người khác. Nhưng rồi họ lại bỏ nghề, trở về với nghiệp nhảy tàu. Lý giải việc này, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội giải thích: "Công việc chế biến thủy sản chị em không quen tay nên thu nhập thấp, cơ sở chế biến xa, phải tự đạp xe gần 20 cây số. Vì thế mọi người lại quay về bám trụ trên những đường ray". Những căn nhà của chị em làm nghề nhảy tàu bán hàng rong cứ lụp xụp ngay giữa một Đà Nẵng đang dựng xây tráng lệ. Những căn nhà lợp mái “pờ lô xi măng” thấp lè tè, lại còn phải chèn thêm những bao cát bên mái trên để chống tốc mái mỗi khi bão biển kéo về. Dẫn tôi đến những căn nhà của các chị em làm nghề nhảy tàu bán hàng rong là bà Nguyễn Thị Hồng - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 2 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc. Gặp chị Hồng, chị em nào cũng than phiền: “Có cái dự án cho vay tiền làm nhà chống bão của Hội, tụi tôi cũng muốn vay tiền lợp mái cho chắc chắn, nhưng không biết làm sao để vay được đây?”. Bà Hồng cười buồn: “Nghề của các em đâu được coi là nghề nghiệp ổn định. Không được coi là có thu nhập thường xuyên, lấy cái chi mà trả nợ. Chắc không vay được đâu”. Khi ra về, bà Hồng nói như khóc: “Thương và lo cho chị em lắm những biết làm sao? Nhiều người làm nghề nhảy tàu từ nhỏ, ruộng đất hổng có, vốn liếng thì không, tay nghề cũng không. Không những lo cho các chị em hiện giờ đang làm nghề nhảy tàu, chúng tôi sợ rằng những thế hệ con cái tiếp theo của họ vẫn lại tiếp tục theo cái nghề đánh đu với tử thần này”. Đường hầm nào trên dãy Hải Vân cũng đều có ánh sáng cuối hầm, nhưng những người đàn bà ngày ngày vắt vẻo đỉnh Đèo Mây để mưu sinh vẫn mãi không thấy được chút ánh sáng cuối con đường hầm mà họ phải đi bấy lâu nay.
Biết là nguy hiểm đó nhưng cấm họ sao được, họ phải kiếm sống. Bên đường sắt có áp dụng những biện pháp mạnh như khóa các cửa sổ lại khi qua đèo đi chăng nữa thì họ vẫn tìm mọi cách để lên tàu thôi. Lúc đó thì lại còn nguy hiểm hơn. Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc Trần Phước Huấn |
Tuấn Lệ/kinhtedothi.vn