![]() |
Trung tâm hành chính công xã Linh Sơn |
Có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã Linh Sơn vào sáng ngày 3/7, sau hơn 2 ngày mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành. Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập ghi nhận tại đây không khí làm việc nghiêm túc, khẩn trương. Tất cả bàn làm việc sau mỗi ô cửa kính có gắn biển đề ghi rõ nội dung công việc, đều có cán bộ túc trực tiếp nhận, xử lý hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Phía bên ngoài phòng làm việc cũng được bố trí một cán bộ trực để đón tiếp, hướng dẫn người dân đến giao dịch, giúp họ khỏi bỡ ngỡ, nhanh chóng tìm đúng “cửa” theo nội dung công việc cần giải quyết và giảm thời gian hỏi han, chờ đợi.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Phi Dũng - Giám đốc Trung tâm hành chính công của xã phấn khởi thông tin, từ ngày 1/7 đến nay, sau hơn 2 ngày làm việc, Trung tâm đã tiếp khoảng 80 lượt người đến giao dịch. Trong đó có gần 50 trường hợp bà con đến xin chứng thực (thay thế cho công chứng trước kia) các loại văn bằng, giấy khai sinh, căn cước công dân… Trong số này, có một số ít trường hợp không mang theo bản gốc đã được cán bộ tiếp dân đã giải thích rõ và đề nghị bà con mang bản gốc kèm theo để được chứng thực.
Cũng tương tự, các trường hợp xin làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần đầu), làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài… nhưng hồ sơ chưa đầy đủ, đã được cán bộ hướng dẫn tỉ mỉ về những giấy tờ, thủ tục còn thiếu để bà con bổ sung. Còn lại tất cả các trường khác đều được giải quyết nhanh gọn ngay tại chỗ.
![]() | ||
|
Cũng theo ông Dũng, do đặc thù miền núi, vùng cao, nhiều bà con thuộc dân tộc ít người nên còn khá xa lạ với việc kê khai các thủ tục hành chính, nhất là sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Những trường hợp này đều được cán bộ Trung tâm hành chính công “làm thay từ a – z” bà con chỉ việc ngồi đợi và ký tên rồi nhận kết quả ra về.
Theo ông Nguyễn ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Linh Sơn - cho biết, ngay sau khi được thành lập, UBND xã đã bắt tay vào công tác sắp xếp cán bộ, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như bổ sung kỹ năng, kiến thức về công nghệ thông. Tất cả đều đã sẵn sàng để đảm bảo mọi hoạt động được thông suốt, nhịp nhàng, phục vụ người dân hiệu quả nhất.
Cũng với mục tiêu này, UBND xã đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị tại địa bàn như Công an, Đoàn Thanh niên, Trung tâm Vietel khu vực hỗ trợ về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến, tích hợp mức độ 2 trên VNelD …
![]() | ||
|
Cùng với công tác tiếp dân, giải quyết các thủ tục hành chính, để đảm bảo hiệu quả công việc cao nhất, sử dụng nhân sự đúng năng lực, điểm mạnh, điểm yếu của từng người (qua công tác rà soát, kiểm tra đánh giá), UBND xã đã tổ chức hội nghị trao đổi, tập huấn cho một số cán bộ, công chức cấp xã (cũ) về những dung cần thiết, liên quan đến nhiệm vụ của mỗi cá nhân như: Lưu trữ công văn, tài liệu; quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin; lập báo cáo về lĩnh vực được giao; dự báo tình hình sắp diễn ra trong ngắn hạn… nhất là các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó “bốn tại chỗ” trong công tác phòng chống bão lũ, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Sơn, ngay từ ngày đầu tiên đi vào vận hành, Đảng ủy, UBND xã đã xác định không để gián đoạn công việc, nhiệm vụ được giao, nhất là đối với các nhiệm vụ trọng tâm như phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên số một, phải hoàn thành trước ngày 31/8/2025 theo Chỉ thị 42 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa.
Xác định thời gian không còn dài, ngay trong phiên họp triển khai nhiệm vụ đầu tiên của bộ máy chính quyền mới, UBND xã đã cho rà soát, tổng hợp danh sách, tiến độ xóa nhà tạm tại hai địa phương cũ (thị trấn Lang Chánh và xã Trí Nang) để có giải pháp phù hợp đưa chương trình về đích đúng thời hạn. Theo đó, toàn xã có 315 hộ thuộc đối tượng hỗ trợ xây mới, sửa chữa nâng cấp nhà ở (gồm 232 nhà xây mới, 83 nhà sửa chữa). Đến nay đã hoàn thành xây mới 140 nhà, sửa chữa 70 nhà. Còn lại 91 hộ xây mới và 13 hộ sửa chữa đều đã được khởi công xây dựng, sửa chữa và đã hoàn thành được khoảng 70 -80% công việc, đảm bảo sẽ được bàn giao cho các đối tượng trước thời gian quy định.
Trao đổi về những khó khăn, thuận lợi trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Loan phấn khởi cho biết: Mặc dù còn gặp không ít khó khăn do địa hình rộng, nhiều hộ nghèo sống biệt lập nơi đồi, núi, vận chuyển nguyên vật liệu rất khó khăn, có một số hộ nghèo, không có tiền đầu tư thêm, lại không có sức lao động để phụ giúp trong quá trình thi công… trong khi định mức hỗ trợ còn thấp, nhất là những hộ không thuộc diện được hỗ trợ thêm từ các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai lồng ghép, kinh phí hỗ trợ chỉ có 40 triệu đồng cho nhà xây mới.
Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, huy động được sự đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn, sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân các dân tộc, của các lực lượng công an, bộ đội, Đoàn Thanh niên… chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở đã diễn ra thuận lợi với kết quả vượt cả sự mong đợi.
Đáng mừng hơn, trong số các hộ được nhận nhà mới để “an cư lạc nghiệp”, không ít hộ dù không có khả năng lao động, không thể góp thêm về tài chính, nhưng vẫn được nhận những ngôi nhà mới khang trang, kiên cố theo hình thức “chìa khóa trao tay”.