Sự đánh giá mang tính tương đối, nhất là khi trong bối cảnh khác nhau về mặt thế hệ. Song có thể rút ra ba cặp đấu được xem là mang tính kình địch lớn nhất trong lịch sử quần vợt thế giới.
1. Chris Evert vs Martina Navratilova (1973-1988)
Đối đầu: 43-37 (Navratilova thắng)
Đối đầu Grand Slam: 14-8, 10-4 ở chung kết (Navratilova thắng)
Số danh hiệu Grand Slam: Evert – 18, Navratilova – 18
Trong suốt 16 năm đối đầu nhau, bộ đôi này đã gặp nhau đến 80 lần, trong đó có 60 lần ở những trận chung kết. Sự kình địch này không chỉ là một trong những điều thú vị nhất của quần vợt, mà còn quan trọng nhất. Nó diễn ra rất đúng thời điểm, khi Hiệp hội quần vợt nữ (WTA) được Billie Jean King, một huyền thoại khác, thành lập năm 1978. Nó giúp WTA Tour có một sức hút mới, hấp dẫn nhiều tay vợt cũng như người hâm mộ hơn.
Billie Jean King là bậc tiền bối của Evert và Navratilova, song trong những năm cuối của sự nghiệp, bà từng thi đấu cùng thời với hai tay vợt này. “Đó không chỉ là một trong những cặp đấu lớn nhất trong quần vợt, mà trong tất cả các môn thể thao nữa. Hai ngôi sao ấy đã thống trị từ thế hệ của chúng tôi và đưa môn thể thao này đi lên. Họ đã đưa quần vợt – chứ không chỉ là quần vợt nữ - lên một tầm cao mới”, King nhận xét.
Sự kình địch giữa Evert và Navratilova có thể chia làm hai giai đoạn, khi mỗi tay vợt thống trị một thời kỳ. Trong 7 năm đầu tiên (1973-79), Evert chiếm lợi thế rõ ràng, với tỷ số đối đầu là 25-8 (3-1 ở Grand Slam). Nhưng sau đó, đến lượt Navratilova bùng nổ ở thập niên 80, với tỷ số đối đầu là 35-12 (13-5 ở Grand Slam).
Evert - Navratilova là một cặp đấu kình địch cực kỳ đáng nhớ
Trong sự nghiệp của mình, bộ đôi này đã có không ít những màn so tài kinh điển, đơn cử như trận chung kết đơn nữ Australian Open 1981, khi Navratilova giành thắng lợi 6-7 (4), 6-4, 7-5. Chiến thắng ấy là điểm nhấn quan trọng cho sự thống trị ở giai đoạn kế tiếp. Tầm quan trọng mang tính lịch sử và vô số những trận đấu căng thẳng giữa họ được xem như kim chỉ nam cho sự kình địch của quần vợt hiện đại. Sự phát triển của WTA nói riêng, và quần vợt hiện đại nói chung được đặt trên nền tảng từ bộ đôi này và những cuộc so tài bất tận giữa họ.
2. Roger Federer vs Rafael Nadal (2004-nay)
Đối đầu: 24-16 (Nadal thắng)
Đối đầu Grand Slam 10-4, 6-3 ở chung kết (Nadal thắng)
Danh hiệu Grand Slam: Federer – 20, Nadal – 19
Công bằng mà nói, cặp đấu này chỉ kém cặp Navratilova – Evert một chút xíu về sự kình địch. Federer và Nadal được xem như hai tay vợt vĩ đại nhất, ít nhất là lịch sử quần vợt nam. Họ xếp số 1 và số 2 về số danh hiệu lớn của ATP Tour, và được xem như bộ mặt của làng banh nỉ thế giới. Sự tương phản về phong cách là lý do khiến bạn khó có thể bỏ lỡ những cặp đấu giữa họ. Federer mang phong thái nghệ sĩ so tài với một Nadal có phong cách của một… đấu sĩ. Federer là chuyên gia sân cỏ, Nadal vô đối trên mặt sân đất nện.
Evert – Navratilova là cặp đấu quan trọng trong việc đặt ra nền tảng của lối chơi hiện đại, nhưng sự kình địch “Fedal” lại được coi như sự định nghĩa về quần vợt: Hai đối thủ, với những phong cách hoàn toàn khác nhau, và tranh đấu với nhau cho vị trí dẫn đầu. Những người hâm mộ khó tính cũng như bình thường đều có thể theo dõi và tận hưởng bất kỳ cuộc so tài nào giữa họ. Một số người thích phong thái điềm đạm tinh tế của Federer trên sân vì nó khiến trận đấu dễ dàng hơn, trong khi một số người thích tinh thần chiến đấu và sự tập trung mà Nadal mang ra sân đấu. Đó là lý do Fedal là cặp đấu đáng ghi nhớ nhất, và mang tính phổ biến nhất trong quần vợt.
Federer-Nadal có thể không phải cặp kình địch lớn nhất làng banh nỉ, nhưng chắc chắn, họ đã mang lại trận đấu vĩ đại nhất: Chung kết Wimbledon 2008. Đó là màn so tài kéo dài 5 tiếng đồng hồ, bị gián đoạn vì mưa và kéo dài đến tận đêm. Chiến thắng 6-4, 6-4, 6-7 (5), 6-7 (8), 9-7 của Nadal giúp anh lần đầu tiên giành được một danh hiệu lớn ngoài Roland Garros. Đó là chiến thắng đầu tiên của Nadal trước Federer trên mặt sân cỏ, mặt sân được xem là thách thức lớn nhất của anh (và là mặt sân hay nhất của FedEx).
Màn so tài giữa Nadal và Federer ở chung kết Wimbledon 2008 được coi là trận đấu hay nhất trong lịch sử quần vợt
Điều khiến cặp đấu này đặc biệt là sau 15 năm, họ vẫn có thể mang lại thứ tennis tuyệt vời khi đối đầu với nhau. Chẳng hạn như trận chung kết Australian Open 2017, khi cả hai đều bị cho là đã ở bên kia sườn dốc và lép vế so với Novak Djokovic. Chiến thắng 6-4, 3-6, 6-1, 3-6, 6-3 giúp Federer lần đầu tiên đánh bại Nadal ở một giải lớn, kể từ sau trận chung kết Wimbledon 2007. Ngay cả gần đây nhất, khi Federer đánh bại Nadal sau 4 set đấu ở bán kết Wimbledon 2019, họ vẫn cho thấy khả năng thi đấu đỉnh cao tuyệt vời như thế nào. Quần vợt chắc chắn sẽ không còn như trước nếu thiếu vắng cuộc so tài này.
3. John McEnroe vs Bjorn Borg (1978-1981)
Đối đầu: 7-7
Đối đầu Grand Slam: 3-1, 3-1 ở chung kết (McEnroe thắng)
Danh hiệu Grand Slam: Borg – 11, McEnroe – 7
Điều gì định nghĩa sự kình địch? Có phải số lần họ so tài với nhau? Số trận chung kết, hoặc số trận quan trọng họ đối đâu? Xét trên những tiêu chí này, McEnroe –Bjorn Borg khó có thể so sánh với hai cặp đấu trên. Thậm chí, chúng ta có thể nêu một số đề cử khác như Serena gặp Venus ở thập niên 2000, Nadal – Djokovic ở thập niên 2010, hay Sampras vs Agassi ở thập niên 90, những người kế tục McEnroe-Connor ở thập niên 70, 80.
Nhưng cặp McEnroe – Bjorn Borg vẫn có ý nghĩa đặc biệt, dù chỉ diễn ra trong 4 năm trước khi Borg giải nghệ ở tuổi 26. Cặp đấu giữa “lửa và băng” này đã tạo nền tảng cho những màn so tài kinh điển ở tương lai. Trước khi trận chung kết Wimbledon 2008 được xem là vĩ đại nhất, phải kể đến chung kết Wimbledon 1980 khi Bjorn Borg giành thắng lợi 1–6, 7–5, 6–3, 6–7 (16), 8–6. Ở trận này, McEnroe đã cứu tới 5 Championship point trước khi thắng 18-16.
Bjorn Borg và McEnroe, cuộc đấu giữa lửa và băng
McEnro và Borg khi ấy là những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ VĐV mới: Có lợi nhuận, có giá trị thương mại, và là biểu tượng cho thành công trong tương lai của môn thể thao này. Borg cho thấy tương lại xán lạn ngay từ khi chơi chuyên nghiệp ở tuổi 15 và nhận vô số hợp đồng tài trợ. McEnroe, đã vượt qua mọi đối thủ để nhận được hợp đồng từ một công ty nhỏ hồi ấy là Nike (nghe quen thuộc không?).
Sau Wimbledon 1980, Borg và McEnro chỉ gặp nhau 3 lần nữa ở Grand Slam, nhưng họ vẫn được xem những người tiên phong cho sự kình địch trên sân quần sau đó như Evert-Navratilova và Federer-Nadal. Nói cách khác, cặp đấu ấy như một ánh chớp, nhưng đã mang lại những khoảnh khắc tuyệt vời.
Phương Chi