Đối tác toàn diện với Việt Nam
Đan mạch là một nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế hiện đại, với mức sống và dịch vụ chính phủ cao. Mặc dù dân số chỉ có khoảng 5,8 triệu người, nhưng theo số liệu thống kê năm 2019, nền kinh tế Đan Mạch đứng thứ 35/196 thế giới tính theo GDP danh nghĩa và thu nhập bình quân đầu người đạt 60.897 USD, đứng thứ 11 thế giới.
Là một nền kinh tế mở, Đan Mạch ủng hộ chính sách thương mại tự do. Xuất nhập khẩu chiếm gần 60% GDP. Môi trường kinh doanh của Đan Mạch được đánh giá là thân thiện, 10 năm liền được Ngân hàng thế giới xếp hàng là nước có môi trường kinh doanh tốt nhất châu Âu và luôn đứng trong 5 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới.
Đan mạch không những là quốc gia duy nhất ở Bắc Âu thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam mà còn là một trong những đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam tại thị trường châu Âu bởi đây là khu vực cửa ngõ nối liền phía Bắc với phần còn lại của châu Âu. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Đan Mạch đã thực hiện các chính sách tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, trong đó có Đan Mạch, đã chính thức có hiệu lực vào ngày 01/8/2020. Hiệp định khi đi vào thực thi sẽ mang lại tác động tích cực cho cả hai nước, tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Đan Mạch, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Đan Mạch ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia) xuất bản cuốn sách “Những điều cần biết về thị trường Đan Mạch” vào năm 2020 và được Thương vụ cập nhật đến hết tháng 6/2022. Để đọc sách, xin bấm vào đường link: https://vietnordic.com/wp-content/uploads/New-ebooks/Denmark2022/book.html
EVFTA được đánh giá là một hiệp định toàn diện và đầy tham vọng, chứa đựng tất cả các vấn đề thiết yếu của thương mại. Hiệp định sẽ giúp phát triển hơn nữa các cơ hội hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam- EU nói chung và Việt Nam – Đan Mạch nói riêng.
Các chính sách thuế nổi bật
Về thuế nhập khẩu: Trong lịch sử, Đan Mạch từ lâu đã là quốc gia duy trì chính sách không rào cản và thường dẫn đầu trong việc chống lại các hàng rào phi thuế quan. Đan Mạch là thành viên của Liên minh châu Âu và tuân thủ tốt nhất việc thực hiện các chỉ thị về thị trường chung châu Âu. Thuế nhập khẩu của Đan Mạch áp dụng chung cho các sản phẩm đến từ các nước không thuộc khối EU, EFTA. Khi hàng hóa đã được thông quan tại một cửa khẩu của một nước thành viên EU, hàng hóa có thể tự do di chuyển đến các nước thành viên khác của EU, trong đó có Đa Mạch.
Một số mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước không thuộc EU, EFTA chịu sự điều chỉnh của Chính sách nông nghiệp chung (CAP). Các mặt hàng này bao gồm ngũ cốc, gạo, sữa và các sản phẩm từ sưã, thịt bò và bê, dầu olive, và đường chịu một số loại thuế và phí khác nhau. Các loại thuế ban hành để cân bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa được sản xuất ở các nước EU. Khi hàng hóa nhập khẩu vào EU, cần khai báo với Hải quan theo phân loại trong danh mục kết hợp. (comnined Nomenclature – CN). Danh mục kết hợp này được đề cập và xuất bản hàng năm.
Về thuế giá trị gia tăng: Tại Đan Mạch, thuế giá trị gia tăng VAT là 25% được thực hiện từ tháng 01/1992, không phân biệt đó là sản phẩm sản xuất trong nước hay nhập khẩu và áp dụng với hầu hết các dịch vụ và hàng hóa được bán hay thực hiện tại Đan Mạch.
Thuế tiêu thụ đặc biệt: Thuế tiêu thụ đặc biệt tại Đan Mạch đánh vào các hàng hóa như bao bì, nước uống có cồn, socola, trò chơi. Một số loại thuế tiêu thụ đặc biệt còn được gọi là thuế môi trường, thuế năng lượng đánh vào điện và xăng dầu.
Quốc hội Đan mạch đã thông qua Đạo luật số 1588 ngày 27/12/2019 sửa đổi đạo luật thuế thuốc lá và đạo luật về các loại thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá có khói sẽ tăng mỗi năm. Bắt đầu từ ngày 01/04/2020, đối với thuốc lá cigarettes và từ 1/1/2020 đối với thuốc lá có khói (smoking tobacco). Từ ngày 1/1/2020 túi xách và túi dùng 1 lần bắt đầu bị áp thuế mới, cao hơn trước đây nhằm bảo vệ môi trường.
Những nội dung cần ghi nhớ
Doanh nghiệp xuất-nhập khẩu cần ghi nhớ danh mục một số mặt hàng cấm và hạn chế nhập khẩu vào thị trường Đan Mạch (đối với các mặt hàng này, cần phải có giấy phép nhập khẩu được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền), cụ thể như sau: Một số loại hóc môn bê của Mỹ; tất cả các sợi amilang; tất cả các sản phẩm có chứa chất diệt khuẩn DMF; Cá ngừ đỏ vùng Đại Tây Dương có nguồn gốc từ Belize, Panama, Honduras; tẩy cao su có hình dáng như thực phẩm và có thể ăn được; đồ chơi và trò chơi chứa sunfat đồng; xác người, các cơ quan và bộ phận cơ thể người, phôi người và động vật, hài cốt người hoặc đã thiêu hoặc chưa được mai táng; động vật có nguy cơ tuyệt chủng theo công ước Cities; vũ khí và đạn dược; chất thải nguy hiểm như kim tiêm, hoặc ống tiêm đã qua sử dụng hoặc chất thải y tế khác; hàng hóa nguy hiểm ngoại trừ được phép của cơ quan quản lý hàng hóa nguy hiểm.
Về giấy phép nhập khẩu: Đối với các mặt hàng trong diện hạn chế nhập khẩu, trước khi nhập khẩu, cần phải xin phép của các cơ quan chức năng và chịu sự kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu vào Đan Mạch. Bộ Công nghiệp, kinh doanh và các vấn đề tài chính là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu cho mặt hàng thép và dệt may. Bộ Môi trường và thực phẩm là cơ quan có thẩm quyền đối với hàng hóa nông sản, thực phẩm, thủy sản không có nguồn gốc từ động vật, các sản phẩm liên quan theo Cities, phân bón, hóa chất, chất thải.
Quy định về kiểm dịch thực vật: Thực vật và các sản phẩm thực vật (bao gồm cả trái cây, rau quả và các sản phẩm gỗ) muốn nhập khẩu vào Đan Mạch phải đảm bảo các quy định của EU về kiểm dịch thực vật. EU đã đặt ra các yêu cầu kiểm dịch thực vật để ngăn chặn các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật của EU. Các yêu cầu chung như sau: Hàng hóa phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp; hàng hóa phải được làm các thủ tục hải quan và kiểm dịch tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU; hàng hóa phải được nhập khẩu bởi một nhà nhập khẩu đã đăng ký chính thức tại một nước thành viên EU; hàng hóa phải được thông quan trước cho cơ quan hải quan tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU.
An toàn sản phẩm: Nhà sản xuất và phân phối sản phẩm cho thị trường EU, trong đó có Đan Mạch phải đảm bảo cung cấp sản phẩm tuân thủ các yêu cầu của thị trường chung; Thông báo người tiêu dùng những rủi ro mà sản phẩm có thể gây ra và bất kỳ biện pháp phòng ngừa cần thực hiện; Thông báo cho cơ quan quốc gia có liên quan nếu phát hiện ra một sản phẩm nguy hiểm và hợp tác với các cơ quan chức năng để bảo vệ người tiêu dùng.
Các quốc gia EU thực hiện giám sát thị trường và thực thi các quy tắc an toàn sản phẩm. EU có cơ chế cảnh báo nhanh RAPEX nhằm giúp trao đổi thông tin nhanh chóng giữa các nước EU và Ủy ban châu Âu về các sản phẩm nguy hiểm. Ngoài các quy tắc an toàn sản phẩm chung, EU còn có quy tắc cụ thể áp dụng cho một số loại sản phẩm nhất định như hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm, máy móc, thiết bị và một số sản phẩm khác của EU.
Tiêu chuẩn kỹ thuật: EU khuyến khích các nước thành viên áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hài hòa. Các tiêu chuẩn hài hòa được soạn thảo bởi ba cơ quan tiêu chuẩn hóa độc lập gồm Ủy ban Tiêu chuẩn châu Âu, Ủy ban tiêu chuẩn điện tử châu Âu và Viện tiêu chuẩn viễn thông châu Âu. Tại Đan Mạch hiện có hơn 27.000 tiêu chuẩn được áp dụng, trong đó 98% là các tiêu chuẩn quốc tế và 2% tiêu chuẩn của Đan Mạch. Các sản phẩm được kiểm tra và chứng nhận ở nước ngoài có thể vẫn bị kiểm tra và chứng nhận lại theo quy định của EU vì EU có các quy định khác đối với bảo vệ sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng cũng như môi trường.
Phương Ngân (T/h)