THỜI TRANG “CỐT LÕI” TRONG THỜI ĐẠI SỐ
Khái niệm “core” (cốt lõi) được xem như một tiêu chuẩn phổ biến cho vô số các nhánh aesthetic (khái niệm thẩm mỹ). Những khái niệm aesthetic khác nhau được chia sẻ rầm rộ trên TikTok, Instagram,… – tất cả đều được biểu thị bằng việc trao đổi hình ảnh trực tuyến, âm nhạc và tất nhiên là thời trang. Các xu hướng như “normcore” hoặc “cottagecore” đã trở nên khá quen thuộc và phổ biến trong thời gian qua. Ngày càng có nhiều khái niệm “core” đa dạng xuất hiện, từ “angelcore”, “goblincore” và “royalcore”. Alexandra Polk, một nhà văn cộng tác tại TikTok đã nói: “Cốt lõi, tính thẩm mỹ, bảng tâm trạng (moodboard) và cảm xúc đều là kết quả của việc mọi người muốn trông thu hút hơn trên mạng xã hội”.
Cốt lõi của thẩm mỹ thời trang trước những cơn bão xu hướng là gì? Đó là “normcore”, thuật ngữ chỉ những sự khác biệt từ những điều quen thuộc. Những thứ đơn giản, thô kệch và có vẻ đại chúng được thịnh hành theo cách tuyệt vời nhất. Kế đến là “cottagecore“, nhánh nhỏ được chia sẻ trên Tumblr từ năm 2018 và bùng nổ vào năm 2020 khi thế giới buộc phải cách ly vì Covid-19. Đột nhiên, những dấu ấn mộc mạc xưa cũ về môi trường nông nghiệp; trang phục nữ tính lãng mạn và truyền thống, thuần nông và ở nhà lại được yêu thích. Có lẽ kiểu trang phục này giúp con người tạm thoát khỏi thực tế ảm đạm và bị chi phối quá nhiều bởi kỹ thuật số, mạng xã hội. “Cabincore” là một phiên bản của “cottagecore” vào những ngày thời tiết lạnh giá với váy suông và áo ấm xốp nhẹ, giữ nhiệt. Với “vermontcore”, hãy nghĩ tới những món đồ dệt kim, áo quần ấm áp nhất. “Angelcore” là “một thứ thẩm mỹ được định nghĩa bởi những thiên thần và hình ảnh thiên thể mơ mộng trong kính vạn hoa gồm màu hồng, màu chanh và màu xanh biếc”. Một ví dụ diễn giải cho thẩm mỹ này là BST của Simone Rocha kết hợp với H&M cho mùa Xuân 2021.
Những nhánh cốt lõi còn lại được gọi tên như “softcore”, “screencore”, “applecore”,… Tất cả đều gắn với những nhu cầu thiết thân nhất, đơn giản nhất. Đó sẽ là những vẻ đẹp bình dị, thời trang từ nơi giường ngủ, phòng tắm, nhà bếp cho đến khi bạn bước chân ra khỏi nhà. Cho dù Gen Z hay thế hệ sau nữa có đổi mới và khác lạ đến mức nào thì những giá trị cốt lõi vẫn được nhân lên nhiều lần bằng tất cả sự trân trọng.
SỰ RA ĐI CỦA NTK ALBER ELBAZ
NTK Alber Elbaz sinh ra tại Morocco, được biết đến với những sáng tạo đậm chất nữ tính. Sự nghiệp thời trang của ông gắn với nhà mốt Lanvin qua các thiết kế quyến rũ và tư duy nhìn xa trông rộng. Những chiếc đầm cocktail nức tiếng của ông đã và sẽ luôn nằm trong tâm trí của các tín đồ thời trang. Khi tin tức về sự ra đi của Alber Elbaz lan truyền khắp nơi, các dòng suy tưởng và tiếc thương cũng không ngừng được thổ lộ.
Tên tuổi của Alber Elbaz được biết đến nhiều nhất với sự hồi sinh nhà mốt Lanvin huyền thoại. Trước đó, ông từng làm việc cho Geoffrey Beene tại New York, sau đó là Guy Laroche và Yves Saint Laurent. Elbaz đã khôi phục lại Lanvin trong suốt 14 năm sáng tạo tại thương hiệu thời trang cao cấp lâu đời nhất của Pháp, mang đến những thiết kế may đo cổ điển với góc nhìn vui tươi hơn. 5 năm sau khi bất ngờ rời khỏi Lanvin, ông đã trở lại với AZ Factory hợp tác với Richemont vào mùa Thu 2020. Không chỉ là người ấm áp và nhiệt thành, Alber Elbaz còn có tình yêu và sự tôn trọng hết mức dành cho phụ nữ. Những thiết kế của ông luôn hướng tới người phụ nữ, để cô ấy cảm thấy thoải mái, gợi cảm, tự tin và được là chính mình nhất.
Sự ra đi của NTK Alber Elbaz do biến chứng từ Covid-19 đã để lại nhiều tiếc thương, trong bối cảnh đại dịch tiếp tục thách thức nhân loại. Sự thay đổi cho tương lai thời trang và sự sống còn chưa bao giờ được cảnh tỉnh mạnh mẽ đến vậy. Dịch bệnh và thời trang có liên hệ gì với nhau, hay tất cả chính là một vòng tròn xoay mãi, mà ở đó không có giới hạn ngăn cách? Điều ta làm ở đây, hôm nay sẽ tạo ra hệ quả ở đâu đó, ngày mai.
BST KỶ NIỆM 40 NĂM CỦA MICHAEL KORS
Diễn ra vào ngày 20/4 và được phát trực tuyến từ khu nhà hát New York trên các nền tảng kỹ thuật số, buổi trình diễn kỷ niệm 40 năm thành lập Michael Kors là dịp để nhìn lại chặng đường đáng tự hào của nhà mốt Mỹ. Với niềm đam mê mãnh liệt với nhạc kịch Broadway, NTK Michael Kors không chỉ muốn quảng bá cho BST mới mà còn muốn thể hiện tình yêu và sự đấu tranh mạnh mẽ cho cộng đồng nhạc kịch Broadway trước những khó khăn. Nhạc kịch Broadway đã ngừng hoạt động từ ngày 12/3/2020. Có ít nhất 4 tác phẩm đã ngưng vĩnh viễn do Covid-19 và hàng loạt tác phẩm khác đã bị hoãn lại vô thời hạn gây ảnh hưởng đến hơn 87.000 việc làm. NTK Michael Kors cùng với các huyền thoại Broadway là Chita Rivera và Billy Porter xuất hiện trong một chương trình phát trực tuyến trước thềm buổi ra mắt BST Thu – Đông kỷ niệm 40 năm thành lập từ Quảng trường Thời đại.
Trong buổi trình diễn kỷ niệm, các người mẫu đã trình diễn trên đoạn đường 45 nằm giữa Đại lộ số 7 và Đại lộ số 8 trong các bộ trang phục từ da, sequins lấp lánh và lông thú. Mỗi bộ trang phục là một tác phẩm cắt may hoàn hảo, thể hiện sự sang trọng vượt thời gian hòa vào cuộc sống ban đêm ở Broadway. BST cũng là bản tổng kết cho 40 năm sự nghiệp của Michael Kors, một trong những NKT Mỹ thành công nhất. Siêu mẫu Naomi Campbell là người khép lại buổi diễn trong chiếc váy đen lấp lánh. Sau đó, tất cả người mẫu đi vào nhà hát và cùng Wainwright tán dương những thành tựu xuất sắc của Michael Kors trong suốt 4 thập kỷ qua.
OSCAR 2021
Mùa Oscar 2021 được mong chờ bởi nhiều ý nghĩa tinh thần hơn cả. Sau khi nước Mỹ và thế giới đã tạm thời tìm được những cách ứng phó với đại dịch Covid-19, giới nghệ thuật và biểu diễn được nhen nhóm ước mong sớm trở lại. Thảm đỏ Oscar năm nay vì thế cũng tưng bừng hơn năm trước, nhiều ngôi sao bước trên thảm đỏ thật thay vì phục sức tại nhà và tham gia trực tuyến qua video. Được xem các bộ phim điện ảnh, được thấy các minh tinh xúng xính áo đầm, công chúng như được thấy thêm nguồn năng lượng tích cực.
Đặc biệt, việc hai giải thưởng quan trọng của Oscar năm nay thuộc về hai phụ nữ gốc Á đã truyền cảm hứng lớn. Nữ đạo diễn Chloé Zhao giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim Nomadland, còn Youn Yuh-Jung, diễn viên gạo cội của điện ảnh Hàn Quốc, giành giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong phim Minari. Đây không chỉ là niềm vui chung của điện ảnh châu Á mà còn đưa ra thông điệp mạnh mẽ chống lại nạn phân biệt và kỳ thị người gốc Á vẫn đang leo thang tại Mỹ.
NFT – SỰ TIẾN HÓA TIẾP THEO CỦA THỜI TRANG CÔNG NGHỆ SỐ
NFT – Non-fungible Token (đơn vị dữ liệu điện tử không thể thay thế) – có thể hiểu là những sản phẩm tồn tại ở dạng kỹ thuật số. Đó có thể là một bức tranh, một đôi giày sneakers, một bài nhạc, một bài viết online… Những sản phẩm này tồn tại và được đăng ký trên blockchain (sổ cái kỹ thuật số) và có thể được mua bán hoặc trao đổi bằng tiền điện tử mã hóa. Trong một bài báo về NFT của Tuổi Trẻ Chủ Nhật có giải thích: “Cũng như cách vận hành tiền ảo, thông tin ai đang sở hữu cái gì sẽ được lưu vào blockchain. Nội dung này không thể bị chỉnh sửa hay can thiệp vì số cái được hàng ngàn máy tính khắp thế giới tham gia giám sát, xác thực”.
Cách đây không lâu, bức tranh NFT có tên Everydays: The First 5000 Days của nghệ sĩ kỹ thuật số Beeple đã được bán với mức giá hơn 69 triệu USD (mức giá quy đổi từ tiền crypto) thông qua nhà đấu giá Christie’s. Đối với thế giới thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp, NFT vẫn là lĩnh vực rất mới nhưng đầy tiềm năng, hứa hẹn sẽ là mục tiêu của nhiều thương hiệu thời trang với mong muốn bước chân vào sân chơi công nghệ và kỹ thuật số để hướng đến thế hệ người tiêu dùng mới.
Vào đầu tháng 3/2021, RTFKT Studios đã kết hợp với nghệ sĩ crypto 18 tuổi FEWOCiOUS để thiết kế 3 kiểu giày sneakers và các phụ kiện dạng charm ở định dạng NFT. Họ đã bán được 600 đôi giày và đạt doanh thu hơn 3,1 triệu USD chỉ sau 7 phút mở bán. Người mua có thể thử đôi giày “online” thông qua ứng dụng Snapchat và sau đó sẽ nhận được một đôi giày thật. Tuy nhiên, giá trị thực sự của món hàng vẫn là chiếc giày “kỹ thuật số” đã được đăng ký trên blockchain.
Gần đây nhất, Eric Pfrunder – cựu Giám đốc Nghệ thuật cho mảng thời trang của Chanel, cánh tay phải của NTK Karl Lagerfeld lúc sinh thời – cũng vừa công bố ông sẽ “số hóa” các tác phẩm nhiếp ảnh của Karl Lagerfeld mà ông được thừa kế và sẽ đăng ký tất cả các tác phẩm này trên blockchain. Eric cũng hé mở rằng cùng chiến dịch giới thiệu BST nghệ thuật này, ông cũng có kế hoạch giới thiệu một sản phẩm thời trang kỹ thuật số, đầu tiên có thể sẽ là chiếc áo sơmi Karl Lagerfeld đã thiết kế dành riêng cho ông. Eric Pfrunder chia sẻ: “Công nghệ blockchain đang mang đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội mới ở nhiều lĩnh vực, từ việc xác thực giá trị đến việc số hóa một tác phẩm hay một BST, và hơn cả thế nữa”.
Gucci cùng với nhiều thương hiệu khác đã xác nhận với Vogue Business rằng họ sẽ sớm tung ra sản phẩm NFT. Theo Marjorie Hernandez, nhà sáng lập sàn blockchain Lukso hiện đang làm việc với nhiều thương hiệu thời trang: “Việc các thương hiệu xa xỉ tham gia vào sân chơi NFT chỉ là vấn đề về thời gian. Điều đáng quan tâm hơn chính là ai sẽ là người bắn phát súng đầu tiên mà thôi”.
Thùy Trang, Minh Chi / Theo ELLE