Nhật Bản xem xét ứng dụng AI để giảm bớt khối lượng công việc của công chức

10:59 11/04/2023

Nhật Bản có thể xem xét ứng dụng AI để giảm bớt khối lượng công việc của công chức sau khi đối phó những thách thức như xâm phạm dữ liệu, rò rỉ thông tin mật.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm 10/4 tuyên bố chính phủ nước này sẽ cân nhắc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), như công cụ chatbot ChatGPT của Công ty OpenAI (Mỹ), nếu giải quyết được nỗi lo về quyền riêng tư và an ninh mạng.

Theo ông Matsuno, Tokyo có thể xem xét ứng dụng AI để giảm bớt khối lượng công việc của công chức. Tuy nhiên, ông Matsuno cũng nhắc đến rủi ro của công nghệ mới này khi cho biết chính phủ sẽ tiếp tục xem xét cách thức đối phó những thách thức như xâm phạm dữ liệu, rò rỉ thông tin mật…

Phát biểu trên được đưa ra ngay trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Thủ tướng Kishida Fumio và Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman tại thủ đô Tokyo. Phát biểu với giới truyền thông sau cuộc gặp, ông Altman cho biết đã trao đổi với Thủ tướng Kishida về những ưu điểm và cách hạn chế những nhược điểm của AI. Ngoài ra, ông Altman cho biết OpenAI đang xem xét mở văn phòng và tăng cường hoạt động tại Nhật Bản trong thời gian tới.

“Chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng một điều gì đó tuyệt vời cho người dân Nhật Bản, làm cho các mô hình trở nên tốt hơn cho ngôn ngữ Nhật Bản và văn hóa Nhật Bản”, Ông Altman nói. Chuyến thăm Nhật Bản của ông là chuyến đi quốc tế đầu tiên kể từ khi ChatGPT được ra mắt.

Cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Kishida và CEO Altman diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tăng cường các quy định về việc sử dụng ChatGPT do nghi OpenAI thu thập trái phép lượng lớn dữ liệu cá nhân từ người dùng, gây tổn hại đến quyền riêng tư

Tại một cuộc họp riêng tại trụ sở đảng cầm quyền của Nhật Bản, giám đốc điều hành OpenAI bày tỏ hi vọng Nhật Bản - với tư cách là một cường quốc địa chính trị, sẽ đóng một vai trò trong việc áp dụng và xây dựng quy tắc cho công nghệ AI.

Ông Taro Kono - Bộ trưởng nội các phụ trách chuyển đổi kỹ thuật số của Nhật Bản - hi vọng rằng các công nghệ AI sẽ "đóng góp rất nhiều" vào cải cách phong cách làm việc của chính phủ, mặc dù ông cho rằng sẽ khó có thể sớm đưa ChatGPT vào các văn phòng công do các vấn đề hiện tại của AI.

Ông Kono cho biết, ông muốn có một cuộc họp của Nhóm Bảy Bộ trưởng Kỹ thuật số, dự kiến diễn ra vào ngày 29-30/4 tại Nhật Bản, để thảo luận về các công nghệ AI bao gồm ChatGPT và đưa ra một "thông điệp thống nhất của G7".

ChatGPT đã tạo nên một "cơn sốt công nghệ", sau khi được ra mắt vào tháng 11/2022. Ứng dụng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận, thậm chí có thể giúp học sinh-sinh viên vượt qua các kỳ thi khó.

Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 1/2023, ChatGPT đã có khoảng 100 triệu người dùng thường xuyên, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử. 

Tuy nhiên, những khả năng vượt trội này của ChatGPT cũng gây tranh cãi trong dư luận. Thậm chí, những lo ngại về bảo mật dữ liệu khiến Italy ra lệnh tạm thời cấm nó.

Sau khi Italy cấm ChatGPT, nhiều quốc gia châu Âu khác đã nghiên cứu biện pháp tương tự. Tuần trước, OpenAI đã trình bày các biện pháp khắc phục những lo ngại về vi phạm quyền riêng tư cho cơ quan quản lý Italy.

Trong bài đăng trên blog vào tuần trước với tựa đề: "Cách tiếp cận của chúng tôi với an toàn AI", công ty có trụ sở tại San Francisco, Mỹ, cho biết đang nỗ lực phát triển các chính sách chống lại hành vi gây rủi ro thực sự cho mọi người. 

Thu Trang (t/h)