Đó là chia sẻ của TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sau chuyến thăm, động viên quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vào cuối tháng 4 vừa qua.
Đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp gồm 20 người, do TS. Tô Hoài Nam làm trưởng đoàn. Đây là chuyến thăm thứ hai sau 9 năm của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đã giúp mỗi thành viên trong đoàn công tác hiểu thêm về cuộc sống của quân và dân trên các đảo, nhà giàn, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Với tình yêu mảnh đất Trường Sa, tình yêu thương bộ đội biển đảo, trong chuyến đi này, TS. Tô Hoài Nam đã viết bài thơ mang tiêu đề “Cảm xúc Biển Đông”. Bài thơ được viết trong vòng 1 giờ để đọc tặng cán bộ, chiến sỹ trên đảo và tác giả đã hoàn thiện thêm 3 câu thơ cuối trong một hoàn cảnh đặc biệt trước khi quay về đất liền.
Tô Hoài Nam cho biết: “Sau khi làm lễ cầu siêu để tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trên đảo Trường Sa lớn, hay còn được gọi là thủ đô của quần đảo Trường Sa, chứng kiến lễ tưởng niệm và nghe lại câu chuyện về những chiến sỹ liệt sỹ, những người đã nằm xuống trên Trường Sa, tôi đã nhận ra rằng, hòa bình chính là lẽ sống. Đây cũng là nguồn cảm hứng để tôi hoàn thiện thêm 3 câu thơ cuối”.
“Để bảo vệ, gìn giữ vùng đất đầu sóng ngọn gió, bộ đội ta từ thế hệ trước đến nay đều rất dũng cảm, luôn chắc tay súng và sẵn sàng chiến đấu. Thế nhưng, tất cả những người lính dũng cảm nhất đều hiểu một điều rằng hòa bình chính là lẽ sống, là điều thiêng liêng nhất. Chỉ có hòa bình thì đất nước mới phát triển, người dân ấm no, hạnh phúc”, ông Nam chia sẻ thêm.
Bài thơ “Cảm xúc Biển Đông” được khởi đầu với sự kết hợp hùng vĩ của Trường Sa, Hoàng Sa và biển cả, tạo nên một khung cảnh mênh mông và bao la. Trường Sa, Hoàng Sa - hai quần đảo của Việt Nam, là nơi gắn bó với tình yêu và lòng trung thành của người dân. Có thể nói, tình yêu sâu sắc và lòng trung thành đối với Trường Sa và Hoàng Sa không chỉ là những cảm xúc cá nhân, mà còn là biểu tượng của tình yêu đất nước và lòng trung thành với quê hương của mỗi người dân Việt Nam. Đối với người Việt Nam, Trường Sa và Hoàng Sa không chỉ là biển đảo của tổ quốc, mà còn là một phần không thể tách rời của lịch sử và văn hóa dân tộc.
Từ thời kỳ xa xưa, những ngư dân Việt Nam đã mang trong lòng tình yêu sâu đậm đối với biển cả và sẵn lòng hiến dâng cuộc sống của mình để bảo vệ Trường Sa và Hoàng Sa. Các thế hệ sau này, dù bị thách thức bởi những khó khăn và thử thách, vẫn không ngừng gắn bó và xây dựng sự hiểu biết và nhận thức về sự quan trọng của hai quần đảo này.
Trường Sa và Hoàng Sa không chỉ là biểu tượng của sự đoàn kết và sức mạnh của dân tộc, mà còn là vùng biển đảo quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên biển, duy trì an ninh và an toàn hàng hải. Đặc biệt, vùng biển này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định khu vực và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông.
Trong khung cảnh hùng vĩ của biển cả, điểm xuyết trong bài thơ là hình ảnh chiếc lá màu xanh, tượng trưng cho Tổ quốc. Chiếc lá này "thẳm như Tổ quốc", biểu trưng cho tình yêu và lòng trung thành với đất nước. Nó là biểu tượng của sự yên bình và đồng thời mang trong mình sức mạnh bất diệt của Tổ quốc Việt Nam.
Theo chia sẻ của TS. Tồ Hoài Nam: “Màu xanh chính là màu thể hiện sức sống, sự bền vững và tính nhân văn. Màu xanh trên đảo được các cán bộ, chiến sỹ trên các đảo hàng ngày vun đắp thông qua các vườn rau xanh và hàng trăm loại cây, hoa. Vườn rau xanh cũng chính là món quà thiết thực chúng tôi đem từ đất liền tặng nhà giàn DK1. Chúng tôi mong muốn góp thêm màu xanh cho biển đảo quê hương...”
Trên nền tảng tình yêu và lòng trung thành đối với đất nước, tác giả Tô Hoài Nam còn thể hiện tinh thần sẵn lòng hiến dâng và sống cùng quê hương mãi mãi. Cam kết của người viết là trở thành cát, tức là sẵn lòng đóng góp và gắn bó với quê hương bất kể khó khăn hay hiểm nguy. Đó là lời cam kết chân thành và không điều kiện, thể hiện tình yêu thương đối với Trường Sa và Hoàng Sa của mỗi người dân Việt Nam.
Trường Sa và Hoàng Sa cũng là biểu tượng của hy vọng và hòa bình. Bài thơ kết thúc bằng câu "Hòa bình lẽ sống", thể hiện chân lý mà tác giả đã nhận ra trong suốt hành trình lịch sử của dân tộc: hòa bình chính là lẽ sống, là điều thiêng liêng nhất.
Trong chuyến đi lần này, theo chia sẻ của TS Tô Hoài Nam, điều khiến ông ấn tượng nhất chính là sự kiên cường của bộ đội ta từ lực lượng cảnh sát biển cho đến hải quân, từ những đảo nhỏ cho đến đảo Trường Sa lớn. Tất cả cán bộ, chiến sỹ đều thể hiện sự kiên cường, yêu văn nghệ, yêu thương, chia sẻ cùng nhau, mặc dù vật chất có thể còn thiếu thốn... Đó là điều khiến ông khẳng định niềm tin sắt đá đối với cán bộ, chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió.
“Tôi cảm nhận được tình cảm của cán bộ, chiến sỹ đối với các đoàn từ đất liền ra thăm, họ rất khao khát tình cảm quê hương. Tôi cũng cảm nhận được tinh thần bộ đội cụ Hồ, nhường cơm sẻ áo từ bộ đội trên đảo, bộ đội hải quân trên tàu đều nhường phòng cho các thành viên trong đoàn vì lo mọi người bị ảnh hưởng của sóng gió trên hành trình ra với đảo”, ông Nam bày tỏ.
Không chỉ với đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp, cứ cốt là người Việt Nam, từ doanh nhân người Việt ở nước ngoài cho đến mọi thành phần trong nước, những suy nghĩ về Trường Sa có nhiều điểm tương đồng. Đó là tình yêu mảnh đất Trường Sa, Hoàng Sa, tình yêu thương bộ đội biển đảo và sự chia sẻ những khó khăn của bộ đội nói chung. Vì thế, anh em trong đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn. Có nhiều người bị say sóng nhưng vẫn có niềm tin và vững vàng vượt lên.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS Tô Hoài Nam cho biết: “Sau chuyến thăm đảo, chúng tôi muốn tuyên truyền sâu rộng về Trường Sa, Hoàng Sa để cộng đồng hơn 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu hơn về biển đảo thân yêu. Tôi cũng có tâm nguyện sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp khoảng 200 người từ các địa phương ra thăm đảo để bản thân mỗi doanh nhân, doanh nghiệp thể hiện tình cảm, trách nhiệm với Trường Sa, đồng thời có những cách thức hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1”.
TS Tô Hoài Nam cũng nhắn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp hội viên: “Trong 30 năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần tạo nên dấu ấn Việt Nam trong việc phát triển kinh tế. Tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đó để tạo nên dấu ấn Việt Nam trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng, góp phần bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ biển đảo thông qua các hoạt động chia sẻ. Đặc biệt là những doanh nghiệp phát triển, có thành công lớn, thì nên chia sẻ nhiều hơn nữa. Ngoài những phong trào thường làm như từ thiện, nhân đạo, chia sẻ với các gia đình khó khăn, chính sách theo các cuộc vận động của Đảng, của Nhà nước thì cần quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần, văn hóa, vật chật của bộ đội trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc”.
Với tinh thần hướng về Trường Sa thân yêu, trong chuyến hành trình thăm biển đảo lần này, tổng hiện vật và đóng góp mà Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam dành cho quân, dân Trường Sa và nhà giàn DK1 trị giá gần một tỷ đồng. Ngoài hiện vật, Hiệp hội cũng gửi đóng góp trực tiếp cho Bộ Tư lệnh Hải quân để sử dụng kinh phí thiết thực, hiệu quả.
Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập gửi đến quý bạn đọc Bài thơ "Cảm xúc Biển Đông" được TS.Tô Hoài Nam viết trong chuyến thăm quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vào cuối tháng 4 vừa qua. Trong bài thơ có câu "Chính là đất mẹ", nhưng sau khi hoàn thành đã được tác giả sửa lại thành "Một phần đất mẹ".
Cảm xúc Biển Đông
Trường Sa, Hoàng Sa
Mênh mông biển cả
Con xin làm cát
Thẩm nước Biển thương
Mây trôi vấn vương
Sóng lung linh quá
Con tìm chiếc lá
Mãi tận bến bờ
Chiếc lá màu xanh
Thắm như Tổ quốc
Dặn dò nhắn nhủ
Bốn ngàn năm qua
Hoàng Sa, Trường Sa
Một phần đất mẹ
Con nguyện làm cát
Mãi với quê hương
Hoàng Sa yêu thương
Trường Sa yêu thương
Hòa Bình lẽ sống
Trí Kiên - Bảo Trinh