Nguyễn Văn Mão - với thương hiệu Sáo Trúc Mão Mèo
Một chặng đường đam mê Được Mão tiếp đón ngay tại cửa hàng Sáo trúc Mão Mèo 306 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi thật cởi mở, chân tình như giữa những người bạn lâu ngày gặp lại. Vẻ niềm nở, sôi nổi khi nhắc đến hành trình đã qua gắn bó với sáo trúc truyền thống, Nguyễn Văn Mão đã chia sẻ cùng chúng tôi những tâm huyết, sự đam mê muốn gửi gắm đến những người yêu cây sáo trúc Việt Nam, chỉ cần thổi một khúc nhạc từ tiêu sáo làm tâm hồn con người dịu lại, quên đi mỏi mệt, áp lực cuộc sống… Và rồi, anh nhớ về những dấu mốc đã đưa anh đến với cơ duyên hoạt động sáo trúc ngày ấy.Đam mê dẫn lối thành công Biết và thích thổi sáo từ khi lên 8 tuổi, Nguyễn Văn Mão vẫn giữ thói quen thổi sáo của mình đến cả khi là sinh viên đại học. Ngày còn học ở Trường Đại học Sư phạm Vinh – Nghệ An, một phần do phong trào, phần khác do không có điều kiện tiếp xúc nhiều với sáo, nên niềm đam mê của Mão cũng chỉ dừng lại ở cá nhân. Ngày đó, Mão vẫn thường chỉ được tiếp xúc và mua những cây sáo bán ngoài chợ với giá 10.000 – 15.000đ/cây. Sau 2 năm học tại Trường Đại học Sư phạm Vinh, Mão thi đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ra Thủ đô học, Mão có điều kiện được tiếp xúc nhiều hơn với sáo trúc, bởi phong trào chơi sáo của các bạn sinh viên trẻ trong các trường đại học ở đây khá phát triển. Sẵn có với niềm đam mê đó, Mão xin tham gia sinh hoạt với Câu lạc bộ (CLB) Sáo trúc của Trường Đại học Kiến trúc. Không dừng ở đó, khi kỹ thuật và kiến thức về sáo của Mão khá lên, Mão đã tham gia sinh hoạt, giao lưu ở rất nhiều CLB sáo trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong thời gian sinh này, Mão nhận thấy rằng có rất nhiều các CLB sáo trúc trên địa bàn Hà Nội. CLB nào cũng có cái hay, cái mạnh và số lượng thành viên tham gia rất đông. Thế nhưng họ đều hoạt động độc lập với nhau, chưa có sự giao lưu, gắn kết nhiều. Bởi vậy, Mão đã nảy ra ý tưởng phải gắn kết các CLB sáo trúc với nhau, để tạo thành một cộng đồng, một phong trào các bạn trẻ chơi sáo. Mão đã đi đến hầu như là tất cả các KTX của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội để giao lưu trong các chương trình văn nghệ hay hội trại của trường. Lãng mạn và liều lĩnh Cái duyên của Mão đến với nghiệp kinh doanh sáo trúc cũng hết sức tình cờ. Ngày còn là sinh viên năm thứ hai, Mão thường xuyên tung các clip thổi sáo lên mạng Youtube, rồi các clip dạy cách thổi sáo cho những người lần đầu tiên tiếp xúc với cây sáo trúc. Với mong muốn ban đầu là giúp các bạn trẻ Việt Nam yêu thích sáo trúc nhiều hơn, dạy thổi sáo cho những bạn chưa biết gì về sáo nhưng muốn học,… Dần dà nhiều bạn trẻ khi xem clip của Mão, đã rất thích học thổi sáo và hỏi Mão mua sáo tốt ở đâu. Thấy nhu cầu như vậy, Mão đã đăng tải bán một vài cây sáo trúc trên mạng. Nhưng số lượng người gọi điện đến hỏi mua sáo quá nhiều, ngoài tưởng tượng, Mão nghĩ đến việc kinh doanh sáo từ chính những cây sáo do mình làm ra. Thân sáo chỉ là một khúc trúc hay nứa có chiều dài từ 40 tới 55 cm. Ở đầu ống có một lỗ hình bầu dục là lỗ thổi. Thẳng hàng với lỗ thổi là 6 lỗ bấm, chỉ có vậy nhưng mà khi thổi lên nó làm mê mẩn bao người. Theo Nguyễn Văn Mão, để làm ra một ống sáo tốt, trước hết người làm sáo phải là một người biết thổi sáo. Không những vậy, cái tinh tế của người làm sáo nằm ở cách xử lý ống sáo. Từ công đoạn chọn phôi ban đầu đến khi hoàn thành mất một ngày. Tất cả đều thực hiện thủ công, ít sử dụng máy móc. Công đoạn tìm chọn và xử lí nguyên liệu cũng lắm công phu. Hàng tháng trời Mão phải tự mình tìm đến nhiều địa phương nổi tiếng có nguồn nguyên liệu tự nhiên rồi đích thân chọn lọc tìm nguồn sáo tốt, và cả cách xử lý mối mọt Mão cũng có bí quyết riêng mình.
Một ngày làm việc hăng say bên cạnh những cây sáo trúc mão mèo
Kĩ thuật làm sáo đã phát triển hơn rất nhiều so với trước đây. Một người làm sáo nếu áp dụng triệt để công nghệ, mỗi ngày cho ra hàng trăm cây sáo không khó. Nhưng phương pháp thủ công vẫn được Mão gìn giữ, anh chia sẻ rằng anh hoàn toàn sử dụng đôi tai để cảm âm tiếng sáo, cộng với kỹ thuật được rèn luyện theo thời gian. Chính vì vậy, cây sáo trúc Mão Mèo làm ra nổi tiếng độc đáo về thẩm mỹ và chất lượng. Thương hiệu Sáo trúc Mão Mèo đã được Mão đăng ký bản quyền và từng cây sáo bán ra thị trường đều được dán tem thương hiệu. Năm 2016, thương hiệu sáo trúc Mão Mèo còn được khách hàng bình chọn là “Thương hiệu tin cậy, sản phẩm chất lượng, dịch vụ tận tâm”. Hiện nay, giá thấp nhất của một cây sáo mang thương hiệu Sáo trúc Mão Mèo là 250.000 đ/cây. Doanh thu riêng về sáo có những tháng cao điểm lên tới gần 1tỷ đồng/tháng. Kinh doanh từ niềm đam mê của mình là một hướng đi tốt, nhưng điều thúc đẩy Mão kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn đến từ tâm huyết của Mão với các phong trào sáo trúc của các bạn trẻ. Mang nhiệt huyết, tình yêu nghề đậm sâu, Nguyễn Văn Mão truyền đến thế hệ trẻ niềm đam mê bất tận với những giá trị âm nhạc truyền thống. Mong muốn của Mão cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Từ chỗ là Chủ nhiệm CLB Sáo trúc Hà Nội, rồi đến Chủ nhiệm CLB Sáo trúc miền Bắc và giờ là Chủ nhiệm CLB Sáo trúc Việt Nam với số lượng thành viên cố định lên đến 40.000 – 50.000 người.Các khách hàng của Sáo Trúc Mão Mèo đến chọn cho mình những cây sáo trúc ưng ý nhất
Mão chia sẻ: “Tôi không phải là người sáng lập ra các CLB sáo trúc. Họ là những CLB đã có sẵn rồi. Phong trào riêng của các CLB cũng rất phát triển nhưng chưa có sự kết nối nhiều với nhau. Bởi vậy, tôi mong muốn tập hợp tất cả các bạn trẻ yêu nhạc cụ dân tộc này thành một tổ chức có quy mô hơn. Và tôi chỉ là người kết nối các CLB đã có sẵn lại với nhau thôi”. Nguyễn Văn Mão cũng chính là người đã mở ra nhiều hoạt động, như: lớp dậy miễn phí, giao lưu tọa đàm, tham gia các hoạt động từ thiện… thu hút đông đảo cộng đồng các bạn trẻ, những người đam mê bộ môn sáo trúc tham gia. Bên cạnh đó, anh còn là người đang là sở hữu kỷ lục guinet cây sáo trúc dài nhất Việt Nam. Vừa qua, Mão cũng đã tổ chức được Ngày hội những người thổi sáo lớn nhất Việt Nam với sự tham gia của khoảng 200 người. Hiện nay, hàng ngày, Mão vẫn cần mẫn viết ra những cuốn sách nhỏ, đăng tải những clip dạy cách thổi sáo cho các bạn trẻ. Nếu tìm kiếm trên Youtube với từ khóa “học thổi sáo” thì số clip của Mão chiếm đa số và có số lượng truy cập lên đến hàng trăm nghìn lượt. Với những đóng góp thiết thực, đầy giá trị và ý nghĩa cho ngành nhạc cụ truyền thống và nền âm nhạc dân tộc Việt Nam, Nguyễn Văn Mão đã nhận được nhiều danh hiệu, giấy khen, bằng khen của lãnh đạo các cấp trao tặng. Quý độc giả đam mê và muốn tìm hiểu về các sản phẩm sáo trúc có thể tìm hiểu thêm tại trang web: http://saotrucmaomeo.com. Tin rằng, với những tấm gương sáng nhiệt huyết, đầy hoài bão như Nguyễn Văn Mão, nền âm nhạc truyền thống Việt Nam sẽ luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị đích thực trong bức tranh tổng thể văn hóa nghệ thuật Quốc gia song hành cùng chặng đường phát triển của đất nước. Thùy Dương