Nguyễn Công Cơ - một danh nhân văn hóa Hà Nội

15:33 07/12/2023

Nguyễn Công Cơ là một trong những vị quan được nhiều sử gia đánh giá là có công rất lớn trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Phan Huy Ích từng làm thơ tán thán rằng: “Nguyễn Công Cơ - tinh hoa tài hạnh của ông đều đủ cả”.

Ảnh minh họa
Nhà thờ Tiến sĩ Quận Công Nguyễn Công Cơ tại Xuân Đỉnh-Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Đền thờ Tiến sĩ, Quận Công Nguyễn Công Cơ tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia từ năm 1993, từ lâu đã trở thành một địa chỉ văn hóa để người dân địa phương và con cháu dòng họ Nguyễn Công về thăm viếng, tìm hiểu lịch sử gắn với cuộc đời một người hiền tài của Thủ đô.

Ngày 5-12 vừa qua, Ban quản lý Di tích phường Xuân Đỉnh, nhân dân địa phương và dòng họ Nguyễn Công đã tổ chức long trọng lễ kỷ niệm 290 năm ngày mất của Tiến sĩ Quận Công- Nguyễn Công Cơ (1675-1733).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dâng hương tưởng niệm 290 năm ngày mất Tiến sĩ Quận công Nguyễn Công Cơ

Theo dòng thời gian, có thể nhiều người ngày nay không biết về vị quan đặc biệt này, nhưng ông được các sử gia nhiều thế hệ tôn vinh là một trong số ít những vị quan tài đức vẹn toàn và đóng góp công lao rất lớn cho dân cho nước.

Nguyễn Công Cơ sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học thời Lê - Trịnh. Ông người làng Minh Quả, còn gọi là làng Cáo, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội).  Từ nhỏ Nguyễn Công Cơ đã nổi tiếng học một biết mười. Năm 13 tuổi ông dự thi Hương khoa Đinh Mão niên hiệu Chính Hòa thứ 8 (1687) thi đỗ Tam trường. Năm 19 tuổi Nguyễn Công Cơ dự thi Hương khoa Quý Dậu và đỗ Hương Cống. Mùa đông năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697) Nguyễn Công Cơ dự khoa thi Hội trúng Tứ trường. Ông trở thành người trẻ nhất đỗ khoa thi tiến sĩ năm ấy, khi vừa tròn 23 tuổi. Sau đó Nguyễn Công Cơ được chúa Trịnh Cương và vua Lê Dụ Tông hết sức tin tưởng và giao nhiều trọng trách lớn. Ông làm quan Kinh Diên, được vào Kinh Diên giảng quan là nơi chỉ dành cho những người đỗ đạt tài cao học rộng đầu óc mẫn tiệp được tuyển kỹ càng đảm nhiệm việc giảng kinh sách cho vua chúa. Trong lịch sử đã từng có những danh nhân được chọn  như vậy, thầy giáo Chu Văn An (đời Trần) là một ví dụ.

Nét son tô đậm nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Công Cơ là lần đi sứ thành công vang dội sang Trung Quốc năm 1715. Bằng tài ngoại giao khôn khéo của mình, Nguyễn Công Cơ đã buộc triều đình nhà Thanh hủy bỏ những quy định hà khắc như cống nạp sừng tê giác, cống nạp vàng. Đặc biệt, lệ cống “người bằng vàng thế mạng Liễu Thăng” có từ thời Lê Sơ (theo ghi chép của một số sử gia) đã được hủy bỏ hoàn toàn nhờ cuộc đi sứ của Nguyễn Công Cơ. Sau chuyến đi sứ thành công đó, Nguyễn Công Cơ được triều đình thăng chức Thượng thư Bộ Binh. Vào năm Canh Tý niên hiệu Bảo Thái thứ nhất (1720), triều đình tổ chức khảo xét công trạng 10 năm của tất cả quan lại, Nguyễn Công Cơ lúc bấy giờ đang là quan văn được dự hạng thượng khảo, kết quả ông đứng bậc nhất, được ban tước Cảo quận công. Ngày nay, tại nhà thờ Nguyễn Công Cơ tại Xuân Đỉnh - Nam Từ Liêm, Hà Nội còn ghi khắc bài thơ Đường luật mà vua Lê Dụ Tông ngự ban cho Nguyễn Công Cơ khi tiễn ông đi sứ: “Phất áo hương bay trượng nghĩa lành/ Chí xưa phiêu bạt thủa bình sinh/ Hai vai trọng trách sang trời Bắc/ Muôn dặm gian nan vó ngựa khinh/ Non sông gấm vóc nào đâu sánh/ Sương tuyết dạn dày nghĩa trung trinh/ Việc lớn nước nhà tròn sứ mệnh/ Đường trường rộn rã khúc ca ngênh”.

Nhân dân địa phương và con cháu dòng họ Nguyễn Công dâng hương tại nhà thờ Nguyễn Công Cơ nhân kỷ niệm 290 năm ngày mất của ông
Nhân dân địa phương và con cháu dòng họ Nguyễn Công dâng hương tại nhà thờ Nguyễn Công Cơ nhân kỷ niệm 290 năm ngày mất của ông.

Một nét đặc biệt khác đáng nhớ trong cuộc đời của vị quan tài giỏi Nguyễn Công Cơ là ông được các học trò người Trung Quốc lập miếu thờ ngay khi ông còn sống. Trong “Sứ trình nhật lục” Nguyễn Công Cơ có ghi lại rằng có hai học trò theo học ông ở Việt Nam lúc nhỏ tại phường Hà Khẩu (Hà Nội) sau này trở thành hai vị quan đại thần của nhà Thanh đã lập miếu thờ ông. Khi nghe tin người thầy của mình đi sứ sang Trung Quốc, các học trò đã đón ông ở biên giới và mách bảo người thầy của mình những mánh khóe bóc lột của nhà Thanh để thầy đối phó. Tương truyền lúc đoàn sứ bộ do Nguyễn Công Cơ dẫn đầu đến tỉnh Quảng Đông, dừng chân trước một ngôi miếu định vào thắp hương thì được ngăn lại, hỏi ra mới biết đây chính là ngôi miếu 2 người học trò đã lập ra để thờ người thầy mà họ tôn kính.

Bên cạnh sự nghiệp quan trường, Nguyễn Công Cơ còn là một nhà văn, nhà thơ để lại nhiều sáng tác có giá trị như: “Hoàng Hoa thuật thực ký”, “Sứ trình nhật lục”, “Tương sơn hành quân thảo lục” và nhiều câu đối. Một trong những câu đối thể hiện khí chất vô tư của danh nhân đất Hà Thành nói đạo của người làm quan: “Che vô tư, chở vô tư, chiếu vô tư, trùm trời đất nhật nguyệt cũng vô tư/ Tiền bất tận, sức bất tận, tình bất tận, giữ phúc lành cùng cháu con bất tận”.

Cuốn sách của Trần Anh Thái viết về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Cơ
Cuốn sách của Trần Anh Thái viết về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Cơ.

Cảm phục cuộc đời của Nguyễn Công Cơ, một vị quan từng được sử gia Phan Huy Chú xếp vào một trong số rất ít những vị quan “có công lao tài đức” suốt hàng ngàn năm lịch sử dân tộc, nhà thơ Trần Anh Thái đã viết cuốn sách: “Nguyễn Công Cơ - Cuộc đời và sự nghiệp”. Cuốn sách với những tư liệu quý được tác giả dày công tìm kiếm đã góp phần làm sáng tỏ nhiều chi tiết về danh nhân Hà Thành Nguyễn Công Cơ. Hiện nay trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có Văn bia khắc tên vinh danh Tiến sĩ - Quận công Nguyễn Công Cơ.

Vũ Quỳnh Trang