Chỉ sau 10 phút "lướt" trên ứng dụng của Saigon Co.op, Bách hóa xanh… thì người dân đã chọn và đặt mua được đầy đủ các mặt hàng thực phẩm cần thiết cho gia đình sử dụng trong ngày.
Đơn cử như chị Nguyễn Thị Thùy Trang (Q.Gò Vấp) thì cứ mỗi buổi sáng, chị vào ứng dụng mua sắm của các siêu thị và chọn các mặt hàng cần mua, sau khi đầy giỏ, chị xác nhận thời gian nhận hàng vào khung giờ theo ý mình (giờ hành chánh hoặc ngoài giờ), sau đó xác nhận thanh toán trả sau hoặc thanh toán bằng thẻ. Chỉ vài phút, tin nhắn tổng đài của siêu thị sẽ gửi đến báo đơn hàng đã đặt thành công và thời gian nhận hàng mà mình đã chọn.
"Khoảng 3-4 giờ sau khi xác nhận đơn hàng, rau xanh, thịt cá, hải sản... tươi ngon đã được nhân viên giao đến tận nhà. Những thực phẩm tươi sống được nhân viên siêu thị chia theo từng bịch nhỏ và được bọc sạch sẽ, nhìn rất bắt mắt và đảm bảo vệ sinh", chị Trang cho biết.
Theo ghi nhận, tại siêu thị Co.opmart ở Xa lộ Hà Nội (thành phố Thủ Đức) ngày thường luôn đông đúc, nhưng thời gian gần đây, lượng khách hàng trực tiếp đến siêu thị đã vắng hơn.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam cho biết, lượng khách đặt hàng trực tuyến tại khu vực TP. HCM đã tăng gấp đôi so với ngày thường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể, các kênh mua sắm từ ứng dụng trên điện thoại như VinID, gọi điện trực tiếp tới số điện thoại của siêu thị và trên nền tảng website vinmart.com, sàn thương mại điện tử Lazada.vn đều ghi nhận đơn hàng tăng nhanh.
Trao đổi về nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đa số siêu thị đều cho rằng, nguồn cung hàng hóa đang rất dồi dào, không có chuyện thiếu hàng tăng giá trong mùa dịch bệnh tại TP. HCM.
Đại diện Saigon Co.op cho hay, nguồn hàng tại các siêu thị (Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile…) hiện nay khá dồi dào, giá tốt, lưu thông thuận lợi. Ước tính từ nay đến cuối năm 2021, Saigon Co.op không sợ thiếu hụt nguồn hàng.
Theo đại diện VinCommerce, đơn vị luôn có những kịch bản kinh doanh để ứng phó với mọi tình huống phức tạp của dịch bệnh. Về hàng hoá, ngay sau làn sóng dịch đầu tiên năm 2020, đơn vị đã chủ động làm việc, tăng cường kết nối với nhiều nhà cung cấp để đảm bảo hàng hoá cung ứng liên tục, đồng thời sản lượng dự phòng trong lúc dịch bệnh bùng phát luôn đủ cho 3 - 6 tháng. Đối với việc phân phối, đơn vị làm việc chặt chẽ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các ban chỉ đạo phòng chống dịch để đảm bảo các xe trung chuyển hàng hoá thiết yếu được di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, hoặc từ kho của VinMart đến các địa điểm bị phong toả, cách ly; không để xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng cục bộ tại bất kỳ cơ sở nào.
Trong khi đó, để chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cho người dân trong điều kiện giãn cách xã hội, ngành công thương TP. HCM cũng đã kích hoạt kế hoạch đáp ứng cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường trong điều kiện vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh tế.
Theo thông báo của Sở Công Thương TP. HCM, mỗi ngày có khoảng 8.000 tấn rau củ quả được nhập và tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức), đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố; các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp phân phối lớn đảm nhiệm 30% còn lại. Ngoài ra, hàng đêm, có khoảng 700 tấn thịt heo, 250.000 con gia cầm, 800 - 900 tấn thủy hải sản được đưa ra thị trường, đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, Sở đã kích hoạt liên kết với 22 tỉnh thành trong chương trình kết nối cung cầu và bình ổn thị trường theo chỉ đạo thống nhất từ Bộ Công Thương.
“Sở cũng đã yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh dịch vụ bán hàng online để giảm tiếp xúc, tránh tụ tập đông người để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Với sự vào cuộc sẵn sàng như vậy, chúng tôi đảm bảo hàng hóa thiết yếu tại thành phố sẽ không thiếu", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Như Anh