Nghệ An: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất thông qua Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2025

19:38 29/11/2021

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2021 diễn ra vào sáng nay (29/11), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thảo luận và thống nhất thông qua Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh đến năm 2025…

  Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2021 diễn ra vào sáng nay (29/11), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thảo luận và thống nhất thông qua Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh đến năm 2025.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thảo luận và thông qua Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh này đến năm 2025 với chiến lược: Phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng; trọng tâm là phát triển về chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tạo thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động và mở rộng quy mô, hình thành một số doanh nghiệp “đầu tàu”, có nguồn lực mạnh để giữ vai trò dẫn dắt các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng. Từ đó tác động lan tỏa đến phát triển doanh nghiệp của tỉnh. 

  VCCI Nghệ An tổ chức Hội nghị đối thoại cùng doanh nghiệp để hướng dẫn, giải đáp các thủ tục hành chính thuế.

Được biết, mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Nghệ An có khoảng 32.500 – 34.5000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 20.000 – 20.500 doanh nghiệp hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên chiếm khoảng 3% - 4%. Bình quân hàng năm các doanh nghiệp tạo việc làm mới cho khoảng 20.000 – 25.000 người lao động. Phấn đấu đến cuối năm 2025, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65% thu ngân sách tỉnh. 

  Cảng hàng không quốc tế Vinh.

Tại phiên họp, kết luận về nội dung này, ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh: Để phát triển doanh nghiệp, trước hết phải hoàn thiện và bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng cảng nước sâu và sân bay. Vì yếu tố đó rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tính chất chiến lược đầu tư vào tỉnh. Khi có sự hiện diện của các nhà đầu tư lớn cũng sẽ thu hút theo các nhà đầu tư các lĩnh vực phụ trợ khác. Trước mắt, cần cố gắng khởi công cảng nước sâu từ nguồn vốn xã hội hóa. Đồng thời, cần đánh giá và có các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn về đất đai, thuế, cải cách hành chính và cung ứng được nguồn lao động. Trên cơ sở đó sẽ tạo lập một môi trường sôi động, thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ để trang bị cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh các kiến thức, kỹ năng nâng cao sức cạnh tranh, tham gia thị trường trong nước, quốc tế. Ngoài ra, quan tâm công tác quản lý, phát huy vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp. 

  Doanh nghiệp ngành may mặc Nghệ An duy trì sản xuất trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Nhằm thực hiện được mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đã xây dựng để “khơi thông những điểm nghẽn” tồn tại trong công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020.

Văn Cương