Nghệ An ban hành Kế hoạch hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động giai đoạn 2021-2025

12:03 06/07/2021

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của kế hoạch này sẽ đào tạo cho 65.000 người, tổng kinh phí thực hiện là 257.400 triệu đồng

Theo đó, mục đích và yêu cầu của Kế hoạch trên là: Tăng cường công tác đào tạo nghề nghiệp cho người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, mức sống cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội; việc hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng phải đảm bảo đúng nguyên tắc, đối tượng, đúng định mức, hình thức hỗ trợ, phù hợp với nhu cầu học nghề của lao động, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động; gắn với các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng địa phương. 

  Sáng 27/8/2020, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Tổng kết đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. 

Được biết, mục tiêu của Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 65.000 người, trong đó nghề phi nông nghiệp 40.000 người, nghề nông nghiệp 25.000 người. Đảm bảo tỉ lệ lao động sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt từ 80% trở lên.

Đối tượng được hỗ trợ là người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang trong độ tuổi lao động theo quy định của Bộ luật Lao động có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn và có đủ sức khoẻ phù hợp vơi nghề cần học. Trong đó, ưu tiên cho lao động là: Người khuyết tật; người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; ngư dân; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lao động nữ bị mất việc làm; lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai và các tác động khách quan khác; lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động ở các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ; người cai nghiện ma tuý… 

  Người lao động Nghệ An đang học thực hành trong khoá đào tạo nghề năm 2020.

Mức hỗ trợ phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại cho từng đối tượng theo quy định tại các văn bản: Quyết định số 27/2016/QĐ-UBND ngày 7/3/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định danh mục nghề và mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người khuyết tật; Quyết định số 55/2017/QĐ-UBND ngày 4/8/2017 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo cho từng nghề, mức hỗ trợ cụ thể đối với tùng đối tượng tham gia học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh và các quy định hiện hành. Riêng đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ được hỗ trợ theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ LĐ-TB&XH và các quy định hiện hành. 

  Lao động nữ của Nghệ An đang học nghề may.

Nguyên tắc hỗ trợ đào tạo cho người lao động được thực hiện thông qua cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức khoá đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trường hợp người học đồng thời thuộc nhiều đối tượng thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất. Người lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo Kế hoạch này. Trường hợp đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo Kế hoạch này. Những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo Kế hoạch này nhưng tối đa không quá 3 lần. 

  Người lao động đang thực hành trong khoá đào tạo nghề tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch: Huy động, lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình, Dự án, Đề án thuộc Chương trình Mục tiêu, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025; ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn hợp pháp khác. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 -2025 là 257.400 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 195.900 triệu đồng; ngân sách địa phương 56.500 triệu đồng; nguồn huy động khác 5.000 triệu đồng.

Văn Cương – Hương Giang