Đứng đầu là Công ty CP Cơ khí – Lắp máy Sông Đà – Chi nhánh 1 với số tiền nợ hơn 39,9 tỷ đồng; Công ty CP Khoáng sản Hòa Bình nợ 9,4 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hòa Bình nợ 19,9 tỷ đống; Công ty CP Xây dựng Hòa Bình nợ 13,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Công nghiệp dầu nhớt VALINE nợ 10 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Thương mại Hưng Long, tỉnh Điện Biên nợ 11 tỷ đồng; Công ty TNHH BMC Hòa Bình nợ 6 tỷ đồng; Công ty CP Mía đường Hòa Bình nợ hơn 7 tỷ đồng. Cùng song hành với các DN trên còn có hơn 10 DN có số nợ từ 4 tỷ đến hơn 5 tỷ đồng, gần 20 DN có số nợ từ 1 tỷ đến trên 3 tỷ đồng, ngoài ra còn hàng chục DN có số nợ từ hơn 200 triệu đến 900 triệu đồng, như Công ty CP Cơ điện và Xây dựng Hoà Bình, Công ty TNHH Duy Tiến, Công ty TNHH Hùng Tiến, Công ty THNHH Cơ khí xây dựng Thành Công... đều có số tiền nợ thuế không lớn chỉ từ 250 đến hơn 300 triệu nhưng cũng thuộc diện khó đòi.
Ngành Thuế Hòa Bình đã phải ra thông báo hóa đơn không còn giá trị. Công ty CP Khoáng sản Hòa Bình bị Cục Thuế đề nghị Sở Kế hoạch và Đù tư thu hồi giấy phép. Tình trạng DN nợ tiền thuế, tiền BH Y tế, BHXH, BHTN dẫn đến tình trạng người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được giải quyết chế độ hưu trí, ốm đau đi viện không có thẻ bảo hiểm y tế...
Công ty CP Cơ khí – Lắp máy Sông Đà – Chi nhánh 1 với số tiền nợ thuế hơn 39,9 tỷ đồng.
Về nguyên nhân các DN nợ tiền thuế nhiều năm với số tiền lớn, lãnh đạo Cục Thuế Hòa Bình cho biết, nhiều DN trước đây thuộc diện ăn nên làm ra, giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Hàng năm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, năm sau cao hơn năm trước, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, như Công ty CP Cơ khí – Lắp máy Sông Đà 1. Công ty CP Xây dựng Hòa Bình. Công ty CP Mía đường Hòa Bình… Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế giai đoạn 2010 – 2012 dẫn đến hoạt động cầm chừng, một số DN không còn hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là ảnh hưởng do Đại dich Covid-19, nhiều DN không tiêu thụ được hàng hóa, sản xuất đình trệ, thiếu việc làm cho người lao động.
Trên thực tế, có những DN nhiều năm nay “có tên mà không có chủ” hoặc qua nhiều đời chủ nên thiếu ý thức nộp thuế. Chây ỳ, cố tình chiếm dụng tiền thuế. Cùng với khó khăn trên là ý thức chấp hành pháp luật thuế của một số DN chưa tốt, tình trạng chiếm dụng vốn giữa các DN; chiếm dụng tiền thuế vẫn còn diễn ra. Không ít DN đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng dự án nhưng DN chậm triển khai dự án dẫn đến nợ tiền thuế. Như Công ty CP Falcon Hồng Hà nợ hơn 4,3 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Hòa Bình nợ trên 2 tỷ đồng. Nợ các khỏa thu về đất phải kể đến Công ty TNHH XD&DV Thành Đạt nợ tiền sử dụng đất hơn 29,6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Bất động sản HASKY Hòa Bình nợ 14,2 tỷ đồng.
Để hoàn thành dự toán thu NSNN và chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2021 và những năm tiếp theo, ngay từ đầu năm, ngành Thuế Hòa Bình tập trung rà soát quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế. Giao chỉ tiêu thu nợ tháng, quý, năm cho các đơn vị và công chức quản lý nợ. Đối với nợ có khả năng thu, Cục Thuế sẽ ban hành thông báo nợ thuế và số tiền chậm nộp thuế đến người nộp thuế. Đồng thời thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với DN có khoản nợ trên 90 ngày. Áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế phù hợp đối với các DN dây dưa nợ đọng thuế kéo dài.
Đối với nợ khó thu; phân loại chính xác các khoản nợ, nhóm nợ, rà soát các DN ngừng hoạt động, bỏ trốn, giải thể có nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm kéo dài qua nhiều năm, hoàn thiện hồ sơ và đề nghị Sở Kế hoạch đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN. Tăng cường công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế, không nộp tiền thuế, không nộp tiền thuế đúng hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng để lên án mạnh mẽ các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ, nợ thuế không thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Với những giải pháp mạnh, kiên quyết của ngành Thuế, ý thức tự giác, trách nhiệm của các DN trong việc chấp hành pháp luật về thuế. Tin rằng năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành Thuế Hòa Bình sẽ không còn những "con nợ" khó thu, chây ỳ, trốn nộp thuế.
Hồng Bài