Năm 2023 EU thoát phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng Nga

08:18 25/01/2023

Quyết tâm của EU trên con đường tiến tới một sự tự chủ về năng lượng thể hiện qua hàng loạt các chính sách năm 2022. Với những nỗ lực suốt năm qua, bước sang năm 2023, “đại gia đình EU” đã dần thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga và tiến trình tự chủ năng lượng của khối này được dự báo sẽ củng cố vững chắc hơn trong những năm tới.

Ảnh minh họa

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, năm 2021, Nga cung cấp khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU tương đương 155 tỷ m3 khí. Chiến sự tại Ukraine xảy ra khiến EU quyết tâm thay thế 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022, tương đương 103 tỷ m3.

Số liệu cập nhật đến ngày 15/12 của Viện nghiên cứu Bruegel của Bỉ cho thấy, châu Âu đã hoàn thành vượt mục tiêu. Riêng lượng khí hoá lỏng nhập khẩu từ Mỹ là 50 tỷ m3, các đối tác còn lại là 8 tỷ m3. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng khí đốt mới ở các nước thành viên cũng giúp châu Âu có thêm 20 tỷ m3. Còn việc hoãn đóng cửa hai lò phản ứng hạt nhân ở Bỉ và ba lò ở Đức giúp châu Âu duy trì thêm 8 tỷ m3 khí.

Kế hoạch REPowerEU đẩy nhanh việc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo giúp các nước châu Âu thay thế 21 tỷ m3 khí. Ngoài ra, việc tăng sản lượng của nhà máy nhiệt điện và cam kết giảm 15% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ tháng 8/2022 - 3/2023 đã giúp EU ngày càng củng cố quyết tâm thực hiện mục tiêu tự chủ năng lượng, dừng hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.

Vài tháng sau khi nổ ra xung đột quân sự Nga-Ukraine, châu Âu từng tuyên bố đã thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Moskva bằng các nguồn khác, nhưng giới chuyên gia nhận định về lâu dài, châu Âu vẫn phải đối mặt thách thức vô cùng lớn. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”. Sức ép từ việc thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga đã thúc đẩy EU đa dạng hóa nguồn cung và gia tăng tiến trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng.

Châu Âu tăng nhập khí đốt hóa lỏng (LNG) từ các đối tác khác, nhất là Mỹ trong thời gian qua để thay thế khí đốt của Nga nhập qua đường ống. Ủy ban châu Âu cho biết, từ tháng 1 đến tháng 8/2022, tổng lượng khí đốt EU nhập khẩu từ Nga, bao gồm cả LNG, đã giảm 39 tỷ mét khối. Trong cùng thời gian, nguồn cung cấp LNG từ Mỹ tăng gần 80%. Bên cạnh đó, các quốc gia EU cũng không ngừng nỗ lực tự chủ năng lượng thông qua các dự án năng lượng tái tạo và hoàn thiện cơ chế phát triển các nguồn năng lượng xanh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) bà Ursula von der Leyen tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa qua ở Davos (Thụy Sĩ) cho biết, EU sẽ đưa ra các khoản trợ cấp năng lượng sạch mới để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc. Theo Chủ tịch EC, kế hoạch Thỏa thuận xanh trong lĩnh vực công nghiệp của EU được xây dựng nhằm biến châu Âu trở thành một trung tâm công nghệ sạch và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngoài ra, EU sẽ tạm thời điều chỉnh các quy định về trợ cấp của liên minh để đẩy nhanh và đơn giản hóa việc cấp phép sản xuất năng lượng sạch. EU cũng đang xây dựng Đạo luật Công nghiệp cân bằng phát thải mới nhằm tập trung các khoản đầu tư vào những dự án dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, như đơn giản hóa và cấp phép theo dõi nhanh cho các địa điểm sản xuất công nghệ sạch mới…

Cùng với phát triển năng lượng tái tạo, giới phân tích dự báo, một số nước EU sẽ quay trở lại phát triển năng lượng hạt nhân để bù đắp nguồn cung năng lượng sau khi “tẩy chay” khí đốt của Nga

Bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn cung, EU cũng nỗ lực đưa ra các phương án điều chỉnh thị trường năng lượng. Báo chí châu Âu cho biết, EU đang chuẩn bị các đề xuất điều chỉnh thị trường theo hướng cố gắng giảm tác động của biến động giá nhiên liệu hóa thạch đối với hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng trong khối. 

Nhà máy nhiệt điện than tại Hamburg, Đức (Ảnh: AP)
Nhà máy nhiệt điện than tại Hamburg, Đức (Ảnh: AP).

Ủy ban châu Âu trong phiên tham vấn công khai được tiến hành ngày 23/1, đã đưa ra một số lựa chọn để điều chỉnh cách thức bán điện của các nhà máy điện, một phần trong kế hoạch cải tổ thị trường mà EC sẽ đề xuất vào tháng 3 tới. Bên cạnh đó, EC kêu gọi thêm nhà thầu công tham gia các dự án năng lượng tái tạo…

Với những nỗ lực nêu trên, bước sang năm 2023, “đại gia đình EU” đã dần thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga và tiến trình tự chủ năng lượng của khối này được dự báo sẽ củng cố vững chắc hơn trong những năm tới. Phát biểu với Hãng tin TASS, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh: “Trong vài tháng qua, chúng tôi đã xóa bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Nga vốn tồn tại suốt nhiều năm qua. Dù chúng tôi từng trải qua giai đoạn năng lượng rất đắt đỏ, nhưng hiện giá năng lượng đang quay trở lại như thời kỳ trước chiến sự Nga-Ukraine”.

Thực tế nêu trên là điều mà chính EU, Nga và cộng đồng quốc tế không thể dự liệu khi nổ ra cuộc chiến Ukraine vào đầu năm 2022. Một khi các quốc gia EU có thể “nói không” với khí đốt Nga, Moskva đang mất đi một con bài chiến lược quan trọng trong thương lượng với phương Tây về vấn đề Ukraine và “bàn cờ” địa chính trị khu vực chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn trong năm 2023 này.

D.A (T/h)