Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiến hành cuộc điều tra hành chính để xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra philê đông lạnh của Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 1/8/2022 đến 31/7/2023 (POR20). Kết quả sơ bộ của cuộc điều tra cho thấy, nhiều nhà xuất khẩu cá tra từ Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp lớn như Biển Đông và Vĩnh Hoàn, không có hành vi bán phá giá sản phẩm tại thị trường Mỹ. Nhờ đó, các doanh nghiệp này sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá.
Có 8 công ty xuất khẩu cá tra từ Việt Nam được hưởng mức thuế riêng, trong đó có Vĩnh Hoàn, Biển Đông, CASEAMEX, Đại Thành, Đông Á, Hùng Cá 6, NAVICO, và NTSF.
Mỹ xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá với cá tra phile Việt Nam. |
Do Mỹ coi Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường, DOC đã sử dụng số liệu từ quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá đối với cá tra Việt Nam. Trong lần rà soát này, DOC đã chọn Indonesia làm quốc gia thay thế vì nền kinh tế của Indonesia tương đồng với Việt Nam, đồng thời nước này cũng cung cấp số liệu đáng tin cậy giúp DOC đánh giá chính xác các yếu tố sản xuất của Việt Nam.
Theo kế hoạch, DOC sẽ công bố kết quả cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá trong vòng 120 ngày kể từ khi có kết quả sơ bộ.
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, với sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều thị trường quốc tế, hương vị thơm ngon, giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khách quan: xung đột chính trị, căng thẳng thương mại, xung đột Nga – Ukraine, thuế chống bán phá giá của Mỹ; biến đổi khí hậu, dịch bệnh, gia tăng chi phí vận tải, hay những rào cản trong ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng số.
Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm. Cá tra có lợi thế vì giá cả phải chăng. Người nuôi và các nhà chế biến ở Việt Nam đang kỳ vọng nhu cầu sẽ cao hơn vào nửa cuối năm 2024. VASEP dự báo xuất khẩu cá tra nửa cuối năm sẽ ước đạt hơn 1 tỷ USD, và lũy kế cả năm 2024 ước đạt 2 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm 2024.