Mỹ đặt mục tiêu sản xuất 20% chip tiên tiến của thế giới vào năm 2030

16:36 29/02/2024

“Các khoản đầu tư của chúng tôi vào sản xuất chip logic hàng đầu sẽ đưa đất nước đi đúng hướng để sản xuất khoảng 20% ​​chip logic hàng đầu thế giới vào cuối thập kỷ này”, bà Gina Raimondo cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thời gian qua, thiếu hụt nguồn cung chip đã tạo ra khó khăn lớn cho hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, là hồi chuông cảnh tỉnh khiến nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu nhận ra cần giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng châu Á. Điều này đã tạo ra làn sóng đầu tư gia tăng vào mảng chất bán dẫn, đi cùng là các biện pháp khuyến khích, thu hút đầu tư của các nhà cầm quyền.

Sau rất nhiều năm vắng bóng, Mỹ đang quay trở lại cuộc đua sản xuất chip bằng các chính sách thu hút hấp dẫn giữa bối cảnh thiếu hụt nguồn cung bán dẫn trên toàn cầu...

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington mới đây, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo tự tin rằng, nước này có thể cung cấp toàn bộ chuỗi cung ứng silicon để sản xuất chip xử lý tiên tiến.

“Các khoản đầu tư của chúng tôi vào sản xuất chip logic hàng đầu sẽ đưa đất nước đi đúng hướng để sản xuất khoảng 20% ​​chip logic hàng đầu thế giới vào cuối thập kỷ này”, bà Gina Raimondo cho biết.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo.

Theo bà Raimondo, Hoa Kỳ không thể dẫn đầu thế giới nếu phụ thuộc vào châu Á về nguồn cung cấp chip cũng như nguyên liệu chế tạo chip. Điều này đặc biệt cần thiết, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) dần trở thành yếu tố quyết định cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Bà Raimondo giải thích, Đạo luật CHIPS 2022, cung cấp 39 tỷ USD để khuyến khích ngành bán dẫn tại Hoa Kỳ, đang và sẽ giúp thay đổi cục diện. Nói về tình hình hiện tại, theo bà, ngành chip của Hoa Kỳ đang ở vị trí rất thấp so với nhiều đối thủ từ châu Á.

Bà Raimondo tin tưởng, Hoa Kỳ có thể trở thành ngôi nhà của toàn bộ chuỗi cung ứng, để sản xuất những con chip tiên tiến, từ polysilicon đến tấm bán dẫn, từ chế tạo đến đóng gói

Điều đáng chú ý là mục tiêu của Chính phủ Mỹ không phải chỉ mỗi các bước quan trọng nhất trong quy trình, mà còn xây dựng một hệ sinh thái chuỗi cung ứng.

Cho đến nay, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố 3 khoản tài trợ cho các công ty chip theo Đạo luật CHIPS, bao gồm BAE Systems, Microchip Technology và gần đây nhất là GlobalFoundries với khoản tài trợ trị giá 1,5 tỉ USD. Công ty TSMC và Samsung Electronics cũng cam kết tài trợ theo Đạo luật này và xây dựng các nhà máy mới tại Mỹ.

Bà Raimondo cho biết, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ sản xuất chip thế hệ cũ, hay còn được gọi là chip cỡ lớn hoặc chip phổ biến, mà Trung Quốc hiện chiếm thị phần lớn. Các loại chip đời cũ đóng vai trò quan trọng, khi cung cấp năng lượng cho các mặt hàng điện tử, từ ô tô, thiết bị y tế cho đến hệ thống an ninh và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Tuy nhiên, phần lớn các khoản đầu tư hiện tại, 28 tỉ USD trong số 39 tỉ USD, sẽ được đổ vào việc phát triển các con chip tiên tiến nhất. “Mục đích của chương trình ưu đãi từ Chính phủ không phải là rót nhiều tiền cho càng nhiều công ty càng tốt. Mà đây sẽ là các khoản đầu tư mục tiêu”, bà Raimondo cho biết.

Ông Owen Tedford, nhà phân tích và nghiên cứu cấp cao tại Beacon Policy Advisors - một công ty tư vấn chiến lược nói rằng, điểm rút ra lớn nhất từ bài phát biểu của bà Raimondo là hướng đi sắp tới của Hoa Kỳ. Các cơ sở sản xuất chip sẽ được ưu tiên rất cao, nếu không nói là ưu tiên hàng đầu.

Bộ Thương mại Mỹ dự kiến ​​sẽ công bố một gói tài trợ mới cho các công ty chip trong tuần này, trước bài phát biểu thông điệp liên bang của Tổng thống Joe Biden vào ngày 7/3.

Hiện nay, TSMC đang xây dựng cơ sở mới ở bang Arizona, dự kiến sẽ là một trong những bên nhận được tài trợ.

Về vấn đề trên, bà Raimondo nói: “Những gì TSMC đang làm ở Arizona thật là đột phá. Họ đầu tư vào Hoa Kỳ. Chúng tôi rất biết ơn điều đó. Chúng tôi đảm bảo kế hoạch trên của họ thành công.”

Thu Trà (t/h)