Muốn quay lại mốc 1 tỷ USD, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cần trợ lực

09:40 11/06/2024

Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam kỳ vọng năm 2024 sẽ quay lại mốc 1 tỷ USD nếu những vấn đề về nguồn nguyên liệu được giải quyết.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đạt gần 388 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 44%, cá ngừ đóng túi tăng 24%, cá ngừ loin/phile đông lạnh tăng 7%, và cá ngừ nguyên con đông lạnh tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, Việt Nam đã đạt kỷ lục với kim ngạch xuất khẩu cá ngừ lên tới 1 tỷ USD, minh chứng cho tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ. Các doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng được nhà máy chế biến cá ngừ với công nghệ cao, kinh nghiệm phong phú, và sản phẩm uy tín tại hơn 100 thị trường.

Muốn quay lại mốc 1 tỷ USD, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cần trợ lực
Muốn quay lại mốc 1 tỷ USD, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cần trợ lực.

Tuy nhiên, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco), cho biết rằng, hơn 50% giá trị xuất khẩu cá ngừ trong những năm gần đây được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu do nguồn cung trong nước không ổn định, không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng năm 2024 sẽ quay lại mốc 1 tỷ USD nếu những vấn đề về nguồn nguyên liệu được giải quyết. Theo bà Kim Lan, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành cá ngừ, tin tưởng rằng tiềm năng phát triển của ngành còn rất lớn nếu các thách thức nội tại được vượt qua và có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Một trong những khó khăn lớn hiện nay là việc làm giấy xác nhận nguyên liệu (S/C). Dù các doanh nghiệp đã nỗ lực tăng cường làm việc với các đầu mối và kiểm tra kỹ lưỡng, nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại sau khi đã mua nguyên liệu. Một số vấn đề như điều kiện an toàn thực phẩm, tàu cá khai thác không đúng quy định, và lỗi hệ thống giám sát hành trình trên tàu cá đã gây ra tình trạng không cấp được giấy S/C.

Bà Kim Lan kiến nghị các tỉnh, địa phương cần triển khai kịp thời việc xác nhận điều kiện an toàn thực phẩm cho tàu cá, cảng cá theo các thông tư ban hành từ năm 2018. Bà cũng mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi quy định để cấp giấy xác nhận nguyên liệu S/C ngay sau khi doanh nghiệp hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu cá dưới sự giám sát của nhân viên cảng. Điều này giúp giải quyết những trường hợp tàu cá bị mất kết nối do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ được xác nhận.

P.V (t/h)