Mùa Đại hội cổ đông đầy 'sóng gió' của nhiều doanh nghiệp bất động sản đình đám

09:18 02/07/2023

Không ít doanh nghiệp bất động sản chưa thể tổ chức thành công Đại hội 2023, trong số đó xuất hiện nhiều cái tên “đình đám”, một thời từng được cổ đông săn đón.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, ĐHĐCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trong trường hợp cần thiết, HĐQT công ty có thể gia hạn họp song không không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Như vậy, mùa ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã chính thức khép lại, tuy nhiên không ít doanh nghiệp bất động sản chưa thể tổ chức thành công Đại hội, trong số đó xuất hiện nhiều cái tên “đình đám”, một thời từng được cổ đông săn đón. Câu chuyện cổ đông không “mặn mà” với việc đi họp phần nào cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022, điều này vô tình khiến những cuộc họp ĐHCĐ thường niên không đủ điều kiện để tiến hành.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Loạt doanh nghiệp "đình đám" tổ chức bất thành dù từng không có chỗ cho cổ đông ngồi cách đây 1 năm

Mới đây nhất, vào sáng ngày 30/6, CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, mã: CEO) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Theo báo cáo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông, tại thời điểm 9h30 ngày 30/6/2023, Đại hội có số cổ đông đại diện 35,42% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Căn cứ quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Tập đoàn CEO, Đại hội không đủ điều kiện tiến hành.

Chia sẻ tại Đại hội, TS.LS Đoàn Văn Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ĐHĐCĐ của Tập đoàn không đủ điều kiện tiến hành.

Với lý do tương tự, Đại hội cổ đông thường niên 2023 của DIC Corp (mã: DIG) tổ chức vào ngày 28/6 đã không thành công. Tính đến 14 giờ 45 phút, Đại hội chỉ đạt 533 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền) tham dự chiếm 36,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 1 của DIC Corp chưa đủ điều kiện tiến hành.

Dù Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn đã “xin phép” cổ đông đợi thêm 1,5 tiếng, song vẫn không đủ tỷ lệ quyền biểu quyết của cổ đông tham gia. Thậm chí trước thềm đại hội, ông Nguyễn Thiện Tuấn đã gửi thư đến cổ đông bày tỏ mong muốn cổ đông trực tiếp tham dự, tham gia đóng góp ý, thảo luận các vấn đề trình đại hội thường niên.

Trong thông báo mới nhất, DIC Corp đã ra thông báo về việc triệu tập ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 2, dự kiến tổ chức vào chiều 21/7 tại Vũng Tàu.

Nhà đầu tư chắc hẳn còn nhớ bộ đôi "đình đám" CEO và DIG kể trên từng có giai đoạn cuối năm 2021 được bàn tán rôm rả. Không hiếm hội nhóm và nhà đầu tư hô hào mua vào những cổ phiếu trên với kỳ vọng vượt trội so với giá trị doanh nghiệp, mơ về những mức giá không tưởng. Nhờ hiệu ứng FOMO, thị giá DIG tăng gấp 4 lần sau 5 tháng, có thời điểm vượt ngưỡng ba chữ số, CEO thậm chí còn tăng tới 7 lần chỉ trong 2 tháng.

Chính sự gia nhập mạnh mẽ của dòng tiền rẻ thậm chí khiến ĐHĐCĐ của DIG hay CEO trong năm trước gặp khó trong khâu tổ chức vì quá đông cổ đông tới tham dự, cổ đông ngồi tràn ra hành lang phòng họp vì không đủ hội trường. Tuy nhiên, đến năm nay tình cảnh có phần trái ngược.

Một doanh nghiệp bất động sản khác đã 2 lần tổ chức bất thành ĐHĐCĐ 2023 là CTCP Đầu tư LDG (mã: LDG) đã thông qua việc gia hạn lần 3 để tổ chức Đại hội tới ngày 31/7/2023. Đại hội lần 1 được tổ chức chiều ngày 11/5 đã không thể tiến hành do chỉ có 22,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Sau đó, chiều ngày 22/6, Đầu tư LDG đã tổ chức Đại hội lần thứ 2 nhưng cũng bất thành do tính đến 15h tổng số cổ đông và ủy quyền tham gia là 217 người, đại diện cho hơn 41 triệu cổ phiếu đang lưu hành, chiếm 16.26% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Việc Đầu tư LDG phải tổ chức Đại hội cổ đông đến lần 3 không còn xa lạ, bởi năm 2022 Công ty cũng phải tổ chức đến lần thứ 3 mới thành công

May mắn hơn, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã tổ chức thành công “phút chót” buổi chiều ngày 27/6 gần đây. Đại hội lần 1 đã suýt chút nữa không thành khi tính đến 15h53p, Hoà Bình mới chỉ đạt tỷ lệ (50%). Trong những phút chờ đợi cuối cùng, tỷ lệ đã tăng lên 50,49% và đủ để Đại hội được diễn ra.

Dù nhiều trường hợp tổ chức bất thành, một doanh nghiệp BĐS “đình đám” biến động mạnh trong năm 2022 vẫn có thể tổ chức thành công Đại hội chính là Novaland (mã: NVL).

Từng có thời điểm bị công ty chứng khoán bán giải chấp hàng triệu, cộng thêm việc bán bớt cổ phần, nhóm cổ đông liên quan tới Chủ tịch NVL Bùi Thành Nhơn đã giảm tỷ lệ nắm giữ từ mức chi phối xuống dưới 50% vốn điều lệ. Dù vậy, với việc nhóm Chủ tịch Bùi Thành Nhơn vẫn còn nắm giữ lượng tương đối lớn cổ phần đã giúp Đại hội được tiến hành thuận lợi.

Nhiều khó khăn "bủa vây" doanh nghiệp bất động sản

Trong năm 2022, bất động sản là một trong những nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất trên sàn chứng khoán, khi ngụp lặn về đáy hàng chục tháng, thậm chí xuống đáy lịch sử.

Ảnh minh họa

Cùng với đà giảm giá mạnh của cổ phiếu, nhiều cổ đông lớn và lãnh đạo của các doanh nghiệp BĐS liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu, đỉnh điểm vào những tháng cuối năm. Đơn cử lãnh đạo của các Công ty DIC Corp (DIG), Phát Đạt (PDR), Hodeco (HDC) và LDG,... bị “call margin” hàng triệu đơn vị.

Số lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường tăng cao khiến lượng cổ đông nhiều doanh nghiệp gia tăng, thậm chí còn “trống ghế” cổ đông lớn. Dù vậy, lượng cổ đông mới này cũng sẽ khiến quyền hạn và trách nhiệm của ban điều hành cũ trở nên nhạt nhòa hơn, gây cản trở tới các cuộc họp ĐHĐCĐ khi mất nhiều thời gian, công sức để điều phối, triệu tập lượng cổ đông lớn tham gia cuộc họp sao cho đủ quyền biểu quyết.

Ngoài ra, sau thời gian phát triển nóng và có phần dễ dàng, hoạt động các doanh nghiệp BĐS đã gặp nhiều khó khăn trong hơn một năm qua do thắt chặt quản lý 2 kênh huy động vốn là tín dụng ngân hàng và TPDN.

Doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn khi trái phiếu là một kênh huy động vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, kênh huy động vốn này đã gặp khó kể từ khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Do đó, dòng vốn chảy vào hoạt động kinh doanh bất động sản gặp khó, dự án chậm triển khai, nguồn cung các dự án mới khan hiếm.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng kiểm soát chặt tín dụng hơn, đặc biệt là dòng vốn chảy vào các hoạt động kinh doanh bất động sản. Trong khi nút thắt về tín dụng chưa được tháo gỡ, các kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn của nhiều doanh nghiệp cũng phải tạm dừng hoặc hoãn cũng gây áp lực lên việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Những khó khăn kể trên đang ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp bất động sản nói chung cũng như cổ phiếu bất động sản nói riêng.

Nhiều nút thắt dần được tháo gỡ

Sau thời gian “ngụp lặn” với mức giảm sâu, nhóm cổ phiếu BĐS bất ngờ trỗi dậy bật tăng mạnh mẽ khi nhiều thông tin hỗ trợ liên tiếp xuất hiện thời gian vừa qua.

Việc NHNN liên tiếp giảm lãi suất điều hành từ đầu năm được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là nhóm có nợ vay cao. Động thái này phần nào giúp giảm bớt gánh nặng lãi vay lên các doanh nghiệp nói chung và nhóm vay nợ lớn như bất động sản nói riêng.

Bên cạnh đó, NHNN còn tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong tháng 4 thông qua việc ban hành các thông tư cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02/2023) và cho phép ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra trong vòng 12 tháng (Thông tư 03/2023), sắp tới là dự thảo thông tư điều chỉnh giảm hệ số rủi ro đối với một số khoản vay tài trợ dự án bất động sản khu công nghiệp, cho vay mua nhà ở xã hội (dự thảo sửa đổi thông tư 41/2016).

Trước đó, một số gói hỗ trợ cũng được đề xuất tại các hội nghị tháo gỡ khó khăn, đơn cử như gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay cả người xây dựng và người mua nhà ở xã hội; các kiến nghị về tháo gỡ vướng mắc pháp lý...

Ngoài ra, nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu tháng 3 cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đến 31/12/2023.

Tại một báo cáo mới đây, trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực quan trọng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, Chứng khoán BSC kỳ vọng rằng các doanh nghiệp được sẽ từng bước vượt qua khó khăn và ghi nhận KQKD quý 2 có phần tích cực hơn so với giai đoạn đầu năm.